Viện trưởng VKSND Tối cao: Có tình trạng lập công ty luật để đòi nợ trái phép

(PLO)- Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, năm 2023, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật để đòi nợ trái pháp luật...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 21-11, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo Công tác của Viện trưởng Viện trưởng VKSND Tối cao tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Về tình hình tội phạm, ông Trí cho biết, năm 2023, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022.

Đặc biệt, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước,...

Viện trưởng VKSND Tối cao
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: QH

Người đứng đầu ngành kiểm sát cũng cho biết, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì VKSND phải thực hiện thêm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến lực lượng công an cấp xã, phường.

“Như vậy, VKSND cấp huyện phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã nhưng Viện kiểm sát không có cấp xã, nên đây là áp lực rất lớn đối với ngành Kiểm sát”, ông Trí nói.

Cũng theo Viện trưởng VKSND Tối cao, hiện nay, biên chế giữa Điều tra viên ngành Công an với Kiểm sát viên chênh lệch rất lớn; số lượng công chức có chức danh tư pháp, Kiểm sát viên các ngạch của VKSND các cấp chưa đủ về số lượng để đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc hằng năm tăng thêm, đã tạo áp lực và khó khăn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Trong khi đó, chế độ, chính sách đối với ngành kiểm sát còn bất cập; kinh phí chi cho hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đặc thù của VKSND vẫn áp dụng theo kinh phí quản lý hành chính, chưa phù hợp với hoạt động đấu tranh tội phạm.

Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của ngành Kiểm sát

Năm 2024, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

(2) Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong kiểm sát hoạt động tư pháp; chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và các cơ quan hữu quan loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm để bảo vệ quyền lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần vào sự phát triển kinh tế trong nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.

(3) Thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật về tư pháp, nhất là những vấn đề có nhận thức chưa thống nhất.

Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các đề án về chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đặc biệt là những đề án nhằm phục vụ nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết 27.

(4) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, coi trọng công tác cán bộ và tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát.

(5) Tập trung thực hiện các nhiệm vụ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Ngành; triển khai thực hiện Kế hoạch đổi mới hệ thống công nghệ thông tin theo yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025.

(6) Chủ động tham gia các diễn đàn đa phương nhằm góp phần phòng ngừa, xử lý có hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm