Viện trưởng Lê Minh Trí: Oan sai không có con số zero

(PLO)- Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói ông không dám hứa, không có căn cứ để hứa, và hứa cũng sẽ làm không được.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 13-9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo tư pháp năm 2023.

Áp lực các vụ án gần đây rất lớn

Phát biểu tại phiên họp, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng một số vấn đề Ủy ban Tư pháp nêu “về mặt dấu hiệu là có”, tuy nhiên về bản chất cần được xem xét để bảo đảm tính khách quan và “động viên anh em làm”.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

Sở dĩ ông Trí nêu việc này bởi báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đưa ra nhận định “vẫn còn xảy ra một số trường hợp phải đình chỉ điều tra bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội, liên quan đến trách nhiệm của VKS”.

Cùng với nhận định trên, cơ quan thẩm tra dẫn lại số liệu từ báo cáo của VKSND Tối cao: còn 13 trường hợp VKS đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nhưng sau đó cơ quan điều tra đình chỉ điều tra đối với bị can do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Trong đó có 10 trường hợp vụ án xảy ra cách đây hơn 10 năm.

“Có những việc đã xảy ra mấy chục năm, có việc 32 năm, có việc 24-25 năm, bây giờ các đồng chí đưa vào đánh giá ở phần oan sai của năm 2023. Con số là có thật nhưng đã tồn tại tới 4-5 khóa… Tôi đề nghị nếu có đưa thì cũng phải có footnote giải thích cho rõ, tránh tình trạng nghĩ năm 2023, ngành kiểm sát làm oan sai 13 trường hợp là không đúng” - ông Lê Minh Trí một lần nữa nhấn mạnh con số trên là có thật nhưng “của lịch sử để lại”.

Cũng theo ông Lê Minh Trí, sau COVID-19, kinh tế - xã hội và đời sống đại đa số nhân dân lao động khó khăn. Trong bối cảnh đó, tội phạm phát triển cả về số lượng, tính chất, thủ đoạn và phương thức hoạt động để đạt được nguồn thu bất chính để sống. Cùng với đó, các tranh chấp, khiếu kiện, kể cả dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại cũng tăng lên.

Liên quan đến tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá là “rất phức tạp”. Riêng cuối năm 2022 cho tới đầu năm 2023, các cơ quan tố tụng đã phải thụ lý điều tra những vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng - xét về quy mô, tính chất, sự phức tạp đều “chưa có tiền lệ”.

Theo ông, nhiều vụ án đến giờ này mới chỉ tách ra để xác định một số hành vi, vi phạm và tiếp tục phải phân tách để điều tra chứ làm hết ngay thì làm không nổi.

“Vụ án liên quan đến Công ty Vạn Thịnh Phát liên quan tới ngân hàng, chứng khoán, thẩm định giá, công chứng, phát hành trái phiếu, vay sai quy định… ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia, tài sản liên quan đến thế chấp ngân hàng” - ông Trí dẫn chứng. Ông cho hay cơ quan chức năng giải quyết những vụ án lớn này “rất mất sức”, phải đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.

“Vụ Việt Á, AIC đã được đưa ra xét xử nhưng sẽ tiếp tục phải truy tố, xét xử tiếp. Tương tự, vụ chuyến bay giải cứu đã xử rồi, nhưng sắp tới giai đoạn 2 có làm hay không, làm như thế nào cũng là một vấn đề. Áp lực các vụ án gần đây là rất lớn, về quy mô, tính chất cũng như nhiều vấn đề rất mới” - ông Lê Minh Trí nói thêm.

Oan sai: Không có con số zero

Trong phát biểu của mình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí một lần nữa đề cập đến nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không được làm oan sai, không để lọt tội phạm; để xã hội bình yên, để đại đa số quần chúng nhân dân được bảo vệ lợi ích hợp pháp, bảo vệ lợi ích nhà nước… Song hành cùng đó là nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của những người có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu phạm tội.

Theo ông Trí, để đấu tranh với tội phạm, để không lọt tội phạm, cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp tố tụng được luật cho phép để phân loại, xác định, chứng minh tội phạm.

“Trong 100 việc cũng có việc có lỗi. Bây giờ các đồng chí lại coi việc này như một lỗi lớn của cán bộ tư pháp thì anh em sẽ không dám làm. Không dám làm thì ai chống tội phạm? Ngược lại, nếu bây giờ anh em không làm, lọt không ai biết có khi lại ít trách nhiệm. Tôi cũng ‘siết’ anh em lắm nhưng vẫn phải chừa lại một khoảng, nếu không anh em sợ, không làm thì cũng chết”- ông Trí nói thêm.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng “phải chấp nhận một con số nào đó” và kiểm soát không để vượt ngưỡng. “Nếu chúng ta vẫn yêu cầu con số tuyệt đối, 8-9 năm làm Viện trưởng, tôi muốn phấn đấu đạt số tuyệt đối thử một năm nhưng không nổi, vì làm mạnh đầu này sẽ phải buông đầu kia, mà buông đầu này sẽ lọt đầu khác”- vẫn lời ông Trí.

“Mặc dù chúng ta muốn con số là không được oan sai, bởi vì có một trường hợp cũng đau khổ lắm, bởi vì người ta không có tội mà mình buộc tội người ta. Nhưng ngược lại, trong cuộc đấu tranh này mà để lọt tội phạm nhiều thì xã hội mất bình yên, ổn định làm sao phát triển được, làm sao bảo vệ được đại đa số Nhân dân?”- ông Trí nói thêm và khẳng định thực tiễn “không có con số zero”.

Ông Lê Minh Trí cũng nói rằng ông không dám hứa, không có căn cứ để hứa, và hứa cũng sẽ làm không được.

“Lính từ bốn cấp kiểm sát làm, chứ Viện trưởng không được làm. Mình chỉ hô hào, kiểm tra và đôn đốc. Tôi đề nghị chúng ta bảo vệ quyền con người của người được cho là có hành vi, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và dấu hiệu phạm tội trong từng công đoạn tố tụng.

Nhưng với biện pháp tố tụng luật pháp cho phép, anh em áp dụng xác suất 0,001 (có sai phạm) là có thể tha thứ được để họ an tâm hành nghề. Nếu không, Viện trưởng thì hồi hộp đi giải trình với Quốc hội, với Ban Chỉ đạo; cán bộ dưới thì hồi hộp với Viện trưởng, không biết ông cách chức, kỷ luật mình ngày nào”- ông Trí nói.

Người đứng đầu ngành kiểm sát ví von, các cán bộ hiện có bốn “vòng kim cô”: Một là quy định của Đảng, trước đây là Quy định 102 (xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm), hiện nay là Quy định 69 rất nghiêm. Hai là Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước chế tài rất nghiêm ngặt. Thứ ba là kỷ luật của các ngành và cuối cùng trách nhiệm pháp luật hình sự.

“Vừa rồi, tôi ra lệnh khởi tố vụ án, bắt giam năm cán bộ của VKS liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ. Xử anh em thì đau lòng nhưng mình nghiêm để răn đe, để người khác không làm nữa”- ông Trí chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm