Không thể điều chỉnh nhanh mức tăng viện phí

Đó là ý kiến được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ra trong phiên họp ngày 25-9 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH để góp ý vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012 và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), BHYT phải thực sự có ý nghĩa khi người mắc bệnh hiểm nghèo chứ chỉ đảm bảo cho những bệnh nhẹ như bệnh mùa, bệnh lặt vặt thì không phù hợp vì thực tế cho thấy khi mắc những bệnh “lặt vặt” đó, người đi khám, chữa bệnh cũng không mấy ai dùng đến BHYT. Đại biểu Lan cũng nhận định giá viện phí quá thấp là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng dịch vụ BHYT thấp hiện nay.

Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cho rằng giá viện phí thấp, chậm điều chỉnh là nguyên nhân khiến người dân cảm thấy không mua BHYT cũng được. “Ở nước ngoài chi phí y tế rất cao nên không người dân nào dám “trốn” mua BHYT. Còn ở ta, sau 18 năm thì vừa qua mới điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế. Mức giá đó chưa đúng thực tế nhưng rất nhiều người đã kêu ca vì tăng một lần quá nhiều” - đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi nói và đề nghị cần quy định giá viện phí thống nhất trong toàn quốc, điều chỉnh trong cùng một thời điểm như giá xăng dầu.

Không thể điều chỉnh nhanh mức tăng viện phí ảnh 1

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH và Đoàn đại biểu QH TP.HCM khảo sát khám, chữa bệnh BHYT tại BV Nhân dân Gia Định. Ảnh: TÙNG SƠN

Được mời nêu ý kiến, đại diện Bộ Tài chính khẳng định việc cần thiết là phải điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp với thực tế. “Hoạt động khám, chữa bệnh BHYT thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu không phải do y đức, hay việc phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có bảo hiểm hay bệnh nhân dịch vụ, mà cơ bản vì giá dịch vụ y tế 18 năm qua quá thấp, không phù hợp” - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ý kiến. Tuy nhiên, bà Tiến thừa nhận việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là không dễ dàng chút nào. Vì thực tế, thời gian qua vừa mới chỉ điều chỉnh một số dịch vụ đã bị Chính phủ “phanh” lại và đề nghị làm từ từ, có lộ trình.

Cũng tại cuộc họp này, cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đề xuất mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Tuy nhiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cảnh báo việc mở rộng mức hưởng BHYT sẽ làm tăng chi quỹ BHYT, trong khi chưa có các biện pháp tăng thu.

Theo chương trình, dự thảo báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009-2012 và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tới đây sẽ được trình ra QH để thảo luận.

Được ưu tiên hơn, dân sẽ tham gia!

Ngày 25-9, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Tọa đàm công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.

Theo phân tích của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, sở dĩ các hình thức bảo hiểm trên chưa hấp dẫn với người dân là do nhiều tồn tại. Đó là sự nhận thức ở tất cả các cấp đến người dân. Hình thức nội dung tuyên truyền chính sách chưa sâu, phong phú và chưa thiết thực. Chưa nói rõ được quyền của người tham gia bảo hiểm cũng như trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm.

Theo ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam tại TP.HCM, BHXH phải thấy rõ trách nhiệm của mình, đặc biệt là trong BHYT.

Trước đó, một số ý kiến của các cơ quan truyền thông cho rằng BHXH còn hơi chậm cung cấp thông tin cho báo chí. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng Đại diện BHXH Việt Nam tại TP.HCM, nhận khuyết điểm trong công tác phối hợp với báo chí là chưa chặt chẽ, chưa chủ động đưa các thông tin chính thống phù hợp với các đối tượng.

Theo bà Nga, mục tiêu của Nghị quyết 21 và các văn bản về chính sách BHXH, BHYT là ngoài phát triển đối tượng còn phải hướng đến năm 2020 phải đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc cho người dân theo hướng công bằng hiệu quả, chất lượng, cũng như phát triển bền vững.

DUY TÍNH

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm