“Không thể quy định bào thai là người, nếu không việc nạo, phá thai sẽ được coi là giết người”

(PLO)- Đây là quan điểm của Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh tại buổi tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam

Sáng 13-8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi.

Cấm mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi “mua bán bào thai” để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Ý kiến khác đề nghị thiết kế một điều luật riêng để điều chỉnh hành vi mua bán bào thai.

Chu-nhiem-Uy-ban-Tu-phap-Le-Thi-Nga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng dự thảo Luật quy định khái niệm về mua bán người, trong khi bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp.

Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người.

Trước tình hình mua bán bào thai đang diễn biến phức tạp và việc xử lý hành vi mua bán bào thai chưa được pháp luật điều chỉnh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung một khoản quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Quy định nói trên, theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, nhằm “bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm” và “phúc đáp yêu cầu thực tiễn”.

Bào thai có phải là người không?

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ có trường hợp nào mua bán bào thai mà không phải mua bán người không? Theo ông Tùng, nếu có trường hợp này thì không nằm trong diện điều chỉnh của luật Phòng, chống mua bán người.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành bổ sung quy định cấm hành vi mua bán bào thai và thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai. Ông Cường cho rằng về mặt sinh học, bào thai đến một giai đoạn nhất định có thể coi là con người, khác chăng môi trường tồn tại là trong bụng mẹ.

Tong-thu-ky-QH-Bui-Van-Cuong.jpg
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội đề xuất thay vì cấm mua bán bào thai, nên quy định cấm “hành vi mua bán người thành thai” để xác định đây là hành vi mua bán người đã thành thai.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá quy định như dự thảo sau khi tiếp thu chỉnh lý là “quá rõ”, không cần phải làm phức tạp thêm. Theo ông Phương, thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai nghĩa là vì mục đích mua bán người.

“Đồng chí Tổng thư ký nói người đang là bào thai, đã là người thì hơn bào thai một tí rồi. Tôi cho rằng cần nghiên cứu quy định sao cho cụ thể, dễ hiểu, không cần giải thích nhiều, rồi giải thích xong thì không hiểu gì nữa”- ông Phương nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay bào thai khi nào được gọi là người là vấn đề được tranh cãi trên thế giới.

Chu-nhiem-Uy-ban-Xa-hoi-Nguyen-Thuy-Anh13-8.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nêu quan điểm cá nhân, bà Thúy Anh tán thành với tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng cần cấm hành vi mua bán bào thai, song không thể quy định bào thai là người.

“Bởi nếu như vậy thì việc nạo, phá thai sẽ được coi là giết người”- bà Thúy Anh nói và cho rằng cách xử lý như báo cáo của Ủy ban Tư pháp là phù hợp.

Theo Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Quang Dũng, nếu xác định mua bán bào thai là mua bán người sẽ rất khó cho cơ quan chức năng. Trong khi đó, khái niệm bào thai có phải là người không còn đang tranh cãi.

“Tôi đồng ý thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai thuộc phạm vi mua bán người, nhưng đưa cả mua bán bào thai vào thì rất khó để thực hiện. Mở rộng ra tất cả thì rất khó trong thực hiện"- ông Nguyễn Quang Dũng bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy tờ xác nhận nạn nhân, bà Lê Thị Nga cho biết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và góp phần xử lý nghiêm các đối tượng giả mạo là nạn nhân, dự thảo Luật quy định: sau khi xác minh, cơ quan có thẩm quyền được cấp một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

(1) Giấy xác nhận là nạn nhân, (2) Giấy xác nhận không phải là nạn nhân, (3) Giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.

Việc quy định giấy xác nhận là nạn nhân và giấy xác nhận không phải là nạn nhân để xử lý trường hợp sau khi kết thúc quá trình xác minh thì người được xác minh sẽ cấp một trong hai loại giấy này. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng hay không áp dụng các biện pháp hỗ trợ tiếp theo cho họ.

Các giấy tờ, tài liệu nêu trên sẽ được cấp bởi các cơ quan: Công an cấp huyện; Cơ quan giải cứu, tiếp nhận; Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, VKSND, TAND; Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm