Hàng loạt các vụ mua bán người ở Thanh Hóa được Công an tỉnh Thanh Hóa ngăn chặn, tuy nhiên điều đáng nói là đáng chú ý có 2 vụ mua bán trẻ em dưới 16 tuổi với thủ đoạn hết sức tinh vi như cho và nhận con nuôi, việc nhẹ lương cao, kết hôn với người nước ngoài.
Mua bán trẻ sơ sinh
Mới đây, Công an TP Thanh Hóa phát hiện và bắt giữ Phạm Thị Hằng (38 tuổi), ngụ ở xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn về hành vi chuyển giao, mua bán người dưới 16 tuổi.
Cụ thể, một phụ nữ đang mang thai do hoàn cảnh khó khăn nên lên hội nhóm gia đình hiếm muộn liên hệ tìm người nuôi con sau khi sinh. Lúc này, Hằng đồng ý sẽ trả toàn bộ viện phí và chi phí cho người phụ nữ này.
Khi Hằng chuẩn bị thực hiện giao dịch thì bị cơ quan công an bắt giữ, đồng thời tiến hành kiểm tra nơi ở của Phạm Thị Hằng công an phát hiện Hằng nuôi thêm 3 phụ nữ đang mang thai. Các nạn nhân sau khi sinh sẽ liên hệ làm thủ tục cho con nuôi và Hằng hứa trả mỗi người 10 triệu đồng.
Theo Trung tá Đỗ Tân Phú, Đội trưởng Đội CSHS - Công an TP Thanh Hoá, thủ đoạn của Phạm Thị Hằng là lợi dụng các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin, đưa những người mang thai ngoài ý muốn về nhà lo ăn uống, sinh hoạt, lo viện phí.
Sau khi sản phụ sinh con, Hằng làm giấy tờ giả và liên hệ những gia đình hiếm muộn, bán các trẻ với giá 70 - 80 triệu đồng/cháu bé.
Trung tá Đỗ Tân Phú nhận định, trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, Công an Thanh Hóa đã và đang tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này.
Sập bẫy việc nhẹ lương cao, ra nước ngoài lấy chồng
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, nạn nhân mà các đối tượng buôn người nhắm tới còn là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức pháp luật còn hạn chế, phụ nữ bị tổn thương về tình cảm, các cháu gái ở độ tuổi mới lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm sống…
Trong khi đó phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người rất tinh vi với quy mô ngày càng phức tạp. Thay vì tiếp cận nạn nhân trực tiếp như trước đây thì các đối tượng lại lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân bằng các chiêu dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao; lập các nhóm kín đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng khiến các nạn nhân dễ dàng “sập bẫy”.
Đội trưởng Đội CSHS - Công an huyện Thường Xuân, Trung tá Nguyễn Trung Kiên khẳng định: “Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, chúng tôi thấy rằng số người dân sang Campuchia làm ăn, hầu như đều bị các đối tượng đưa vào hoạt động trong các sòng bạc hoặc đưa vào làm trong các nhóm liên quan đến lừa đảo. Thậm chí phụ nữ hoặc trẻ em gái có thể đưa vào hoạt động trong các ổ nhóm mại dâm. Hàng ngày các đối tượng quản lý chặt chẽ, thậm chí là sử dụng vũ lực để quản lý số nạn nhân này. Nếu muốn giải thoát thì các đối tượng có thể cho liên lạc với gia đình và đưa ra số tiền chuộc rất lớn”.
Tội phạm mua bán người không những gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nạn nhân như xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.
Để không “sập bẫy” của các đối tượng buôn bán người theo Thượng tá Phạm Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Thanh Hoá, cho rằng mỗi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát hình sự tập trung nắm tình hình, địa bàn, đối tượng, chủ động điều tra các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đặc biệt là điều tra trên các hội nhóm trên không gian mạng liên quan đến hoạt động mua bán người. Qua đó, tham mưu cho các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan phối hợp đấu tranh, phòng ngừa, xác lập các chuyên án, đấu tranh triệt phá các đường dây mắt xích hoạt động mua bán người, Trung tá Thiêm thông tin.