“Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột, vì có khi người dân không đi một km đường nào cũng phải trả phí. Tôi cho rằng Bộ GTVT cần phải xử lý điều này, phải dời ngay trạm thu phí, không thể như vậy mãi được”. Đó là kiến nghị của TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại buổi tọa đàm khoa học “Các dự án BOT - Chính sách và giải pháp” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển tổ chức sáng 8-9 tại Hà Nội.
“Dân sao chịu được”
Theo ông Dũng, Bộ GTVT đang lấy lý do trong hợp đồng đã hứa với nhà đầu tư là đảm bảo phương án tài chính nên không thể dời được trạm. “Đây là lý do khó chấp nhận. Dự án một nơi, thu phí một nơi, người dân chịu sao được. Cần phải bỏ ngay, không thể “cân đều” cho người dân...” - ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng cho rằng Bộ GTVT cần phải xem xét giảm phí cho người dân quanh khu vực trạm. Bên cạnh đó cần xem xét lại các hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư. Trong đó kiểm tra xem người dân đã có ý kiến chưa, các khoản phí có hợp lý không, nếu không phải bỏ ngay. “Một điều vô lý nữa là không thể bắt người dân vừa đóng phí bảo trì đường bộ vừa trả phí để láng mặt đường được. Tiền quỹ bảo trì đường bộ người dân nộp đi đâu mà khi láng mặt đường lại bắt người dân phải đóng tiếp?” - ông Dũng đặt câu hỏi.
Ông Dũng đề nghị đối với các dự án BOT đang được thu phí, Bộ GTVT phải nhanh chóng triển khai hệ thống thu phí không dừng. Vì hệ thống này vừa giúp cơ quan nhà nước nắm rõ lưu lượng xe qua trạm và giảm bớt việc trả lương cho nhân viên. “Quốc hội phải có một nghị quyết để xử lý triệt để các vấn đề phát sinh. Từ đó ban hành luật, nếu không có những bước này thì việc triển khai tiếp các dự án BOT sẽ tiếp tục phát sinh các rủi ro” - ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Bộ GTVT phải nhanh chóng triển khai thu phí không dừng để minh bạch việc thu phí BOT. Ảnh: VIẾT LONG
Mảnh đất cho nhóm lợi ích
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng BOT là mảnh đất màu mỡ cho các nhóm lợi ích. “Điều này được Thanh tra Chính phủ phát hiện.Nhà đầu tư khi nhận dự án lại mang đi bán lại quyền thực hiện dự án và lấy tiền chênh lệch lớn, khiến chi phí dự án đội giá lên hàng ngàn tỉ đồng. Đó là chi phí của nhóm lợi ích và tham nhũng...” - ông Doanh nhấn mạnh.
TS Doanh cho rằng BOT là dùng vốn xã hội để phát triển hạ tầng nhưng ở Việt Nam toàn bộ quá trình này được bảo mật và không cho người dân giám sát. Kết quả hiện nay từ Bắc vào Nam có 82 trạm BOT, chi phí cho vận tải có nơi tăng lên 300%-500%. Đặc biệt, một doanh nghiệp vận chuyển hàng nông sản hoặc thủy sản từ ĐBSCL về đến TP.HCM phải trải qua hàng loạt trạm thu phí, như vậy chi phí BOT đã vượt chi phí xăng dầu. Việc thu phí hiện nay đã tác động đến người tiêu dùng, người nghèo và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ quá trình đầu tư như việc chỉ định thầu, quy định chi phí đối với người dân...” - ông Doanh nói.
“Nói BOT không tác động đến dân nghèo là sai” Việc một đại biểu dân cử phát biểu phí BOT không ảnh hưởng đến dân nghèo là sai. BOT tác động trực tiếp đến người nghèo, vì khi phải trả phí BOT cao thì mớ rau, quả trứng đắt hơn. Vị này còn cho rằng người dân đi xe máy được lợi nhưng thử hỏi đường cao tốc có đi xe máy được đâu, vì vậy việc thu phí BOT tác động đến người nghèo nặng nề hơn người giàu. TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý |