Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Tây Nguyên, cho biết trường đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép mở rộng đối tượng ở ký túc xá khoa Y của Trường ĐH Tây Nguyên tại TP Buôn Ma Thuột. Điều này nhằm hạn chế công trình lãng phí, xuống cấp.
Tuy nhiên, ông Trúc không trả lời khi PV hỏi UBND tỉnh Đắk Lắk có đồng ý với đề nghị của Trường ĐH Tây Nguyên hay không.
Ông Trúc thông tin, dự án ký túc xá khoa Y xây dựng trên diện tích hơn 3.800 m2, có tổng mức đầu tư hơn 35 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Trường ĐH Tây Nguyên làm chủ đầu tư.
Mục tiêu của dự án là đáp ứng nhu cầu chỗ ở, sinh hoạt, học tập cho 960 sinh viên khoa Y Trường ĐH Tây Nguyên.
Khu ký túc xá có hai tòa nhà năm tầng với 120 phòng. Một trong những mục đích khi xây dựng khu ký túc xá này là tạo điều kiện cho sinh viên khoa Y Trường ĐH Tây Nguyên tiện việc đi lại, thực hành tại BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk trên đường Mai Hắc Đế, phường Tân Thành.
Theo một nguồn tin khác, từ năm 2019, khi BV Đa khoa Đắk Lắk dời đến vị trí mới ở đường Mai Thị Lựu, phường Tự An và đổi tên thành BV Đa khoa vùng Tây Nguyên (cách vị trí cũ khoảng 5 km) thì khu ký túc xá này không được sinh viên khoa Y chọn ở nữa. Do đó, lãnh đạo Trường ĐH Tây Nguyên đã tự chuyển đổi công năng, cho người ngoài vào thuê ở.
Theo một cán bộ quản lý khu ký túc xá khoa Y Trường ĐH Tây Nguyên, hiện nay cả khu ký túc xá này chỉ có năm sinh viên, năm gia đình cán bộ Trường ĐH Tây Nguyên thuê ở. Còn lại chủ yếu là người lao động tự do. Tiền cho thuê hàng tháng chuyển về Trường ĐH Tây Nguyên.
Cũng theo vị cán bộ quản lý trên, vừa qua có đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã đến khảo sát khu ký túc xá để đánh giá lại hiệu quả đầu tư, xem xét việc xây dựng có hợp lý hay không.
Theo một người đang thuê phòng trong ký túc xá, họ đã thuê phòng để ở hai năm nay với giá 700.000 đồng/tháng.
Ông Nguyễn Thanh Trúc xác nhận hiện nay sinh viên khoa Y Trường ĐH Tây Nguyên đã bỏ ra ngoài thuê phòng ở để tiện việc đi lại, thực hành ở bệnh viện hơn.
“Các phòng bỏ không lâu ngày sẽ xuống cấp nên trường cho cán bộ, viên chức, người lao động đến thuê ở vừa tránh lãng phí vừa giữ trang thiết bị hạn chế hư hỏng” - ông Trúc nói.
Theo ông Trúc, số tiền cho thuê phòng thu được không bao nhiêu, chỉ đủ trang trải cho nhân viên bảo vệ và duy tu sửa chữa các hạng mục xuống cấp, hư hỏng.
PV đã gửi câu hỏi, đăng ký làm việc với Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu thêm sự việc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Quốc hội xác định ký túc xá nằm trong số các dự án không hiệu quả, lãng phí
Tháng 11-2022, Quốc hội ban hành nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, Quốc hội xác định cả nước có 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.
Trong số đó, tại Đắk Lắk có hai dự án là hồ chứa nước Yên Ngựa và khu ký túc xá khoa Y Trường ĐH Tây Nguyên.
Nghị quyết Quốc hội yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí...