Giải ngân thấp, chậm gây lãng phí lớn trong đầu tư công

(PLO)- Giải ngân vốn đầu tư công thấp, chậm, lằng nhằng trong tính giá trị đất để cổ phần hóa doanh nghiệp… gây nên tình trạng lãng phí, thất thoát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022.

Lằng nhằng trong tính giá trị đất gây thất thoát

Một tồn tại, hạn chế, lãng phí được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH chỉ ra là việc lãng phí trong đầu tư công, trong đó triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm, còn nhiều hạn chế, làm lãng phí...

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng đầu tư công giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân từ điều hành nhưng có một nguyên nhân khác rất quan trọng là quy định pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh: Quochoi.vn

Toàn cảnh phiên họp về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông Phớc, Luật Đầu tư công quy định có tiền mới được lập dự án nhưng lập dự án rồi mới được phân bổ tiền, cho nên bị vướng. “Một công trình trọng điểm của chúng tôi nằm trong chương trình phục hồi là xây dựng trụ sở của hải quan sân bay Long Thành nhưng đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo vốn vì chưa lập được dự án. Lập được dự án thì phải có tiền, cho nên cứ vướng đi vướng lại như vậy” - ông Phớc cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm rằng công tác cổ phần hóa hiện cũng rất vướng. Nghị quyết của QH và nghị định của Chính phủ đều quy định phải tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp. Nhưng địa phương gần như không phê duyệt phương án sử dụng đất nên không tính được giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp. “Mà tính giá trị tiền sử dụng đất hôm nay thì ngày mai có khi lại thất thoát, cho nên cứ lùng nhùng từ việc này sang việc kia” - ông Phớc nói và cho rằng đó cũng là lý do vì sao TP.HCM từ năm 2022 đến nay không cổ phần hóa được, dù Chính phủ giao phải cổ phần hóa 38 doanh nghiệp.

Cán bộ tín nhiệm thấp có thể xin từ chức

Cũng trong sáng 11-5, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn…

Theo tờ trình, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà không từ chức thì QH, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo nghị quyết là 10 ngày để người được lấy phiếu có mức tín nhiệm thấp xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp chủ tịch UBND có mức tín nhiệm thấp.

Ngoài ra, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay quá trình thảo luận có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là một hình thức xem xét kỷ luật đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Trong khi đó, hệ quả nặng nhất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, theo dự thảo nghị quyết, đều là trình QH, HĐND quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.

Do vậy, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì QH, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.

Nhiều chương trình mới giải ngân được khoảng 8%

Theo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đến nay chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉ lệ giải ngân thấp, ước tính chỉ đạt gần 8%, với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng.

Tương tự, tiến độ giải ngân vốn một số dự án quan trọng quốc gia cũng chậm. Như dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 mới giải ngân hơn 9.400 tỉ đồng, cũng chỉ đạt gần 8% kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025.

Hay dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến thời điểm ngày 31-12-2022 giải ngân gần 16.700 tỉ đồng (đạt hơn 70% kế hoạch đã giao).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm