50 năm cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Khúc bi tráng của lịch sử không quân Việt Nam

Trong ghi chép và ký ức của mình về giai đoạn khốc liệt này, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh không quân (Quân chủng Phòng không không quân), khái quát: “Đó là khúc bi tráng của lịch sử không quân Việt Nam trong cuộc tổng tiến công mang bước ngoặt lịch sử này”.

Máy bay dân sự đi ném bom

Vị tướng 90 tuổi bảo 50 năm trước khi cả nước đang rạo rực đón Tết thì ông nhận lệnh tuyệt mật của Bộ Tổng tham mưu lệnh cho không quân thả dù tiếp tế vũ khí và tấn công mục tiêu mặt đất đồn Mang Cá, Huế nhằm chi viện trực tiếp cho cuộc tổng tiến công ở mặt trận Trị Thiên.

Ngày 27 Tết Mậu Thân năm 1968, ông trực chỉ Trung đoàn 919 vận tải (còn gọi khác là đoàn Hồng Hà) để triển khai nhiệm vụ đặc biệt này cho chỉ huy trung đoàn. Cùng đó, các nhiệm vụ mật khác cũng được triển khai như công tác trinh sát, hậu cần… “Đây là nhiệm vụ khá nặng nề vì lần đầu ta sử dụng máy bay vận tải để tấn công mục tiêu mặt đất mà trước đó chưa có tiền lệ” - ông cho hay.

Để sẵn sàng cho cuộc chi viện và sẵn sàng tham chiến, ông cùng Trung tướng Nguyễn Văn Tiên, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh không quân, trực tiếp động viên phi công, kỹ thuật, thông tin, dẫn đường… Kế hoạch huấn luyện bay thực địa cũng được triển khai khẩn trương nhằm sẵn sàng xung trận. Và cái khó lúc đó là làm thế nào để gắn bom, ống phóng róc két lên máy bay dân sự để tấn công mục tiêu mặt đất. Vậy là Ban Kỹ thuật Trung đoàn 919 do tổ trưởng Nguyễn Tường Long, một kỹ sư từ Pháp theo Bác Hồ về nước, đã bắt tay nghiên cứu, thử nghiệm việc gắn bom, róc két thành công. “Khi biết nhiệm vụ tối quan trọng này, anh em phi công dù biết nguy hiểm đang chờ phía trước nhưng vẫn xung phong ra trận” - tướng Hy chia sẻ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc Tết cán bộ và chuyên gia Bộ Tư lệnh Phòng không không quân năm 1966. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Cầu hàng không” Hà Nội-Huế

Tướng Hy kể năm đó, người dân cả nước đón cái Tết trong cái rét cắt da, gió Đông Bắc thổi thông thốc, bầu trời nhiều mây đen bay thấp. Theo kinh nghiệm của anh em phi công, đây là điều kiện không thuận lợi để bay. Mùng 1, 2, 3, 4… Tết trôi qua trong sự hồi hộp của các biên đội đã chuẩn bị đầy đủ vũ khí sẵn sàng xung trận. Bất ngờ chiều mùng 10 Tết, sáu tổ bay IL-14 chia làm nhiều đợt được lệnh xuất kích từ sân bay Gia Lâm men theo dãy Trường Sơn để áp sát Huế. Mỗi chiếc IL-14 chở theo 10 người gồm lái chính, lái phụ, dẫn đường, thông tin, cơ khí và lực lượng dù lao vút lên bầu trời trực chỉ mặt trận Trị Thiên. Sở chỉ huy đêm đó trải qua một đêm dài đầy lo lắng vì các cánh bay trong điều kiện hiểm nguy cận kề.

Và như thế anh em tác chiến trong điều kiện hết sức nguy hiểm khi gió mùa lớn, mây đen bay thấp lại không có radar dẫn đường. Nếu bay lệch ra hướng biển thì máy bay của ta trở thành mục tiêu tấn công của hải quân Mỹ đang kiểm soát biển Đông với vùng quét radar cực mạnh, nhất cử nhất động đều lọt vào tầm ngắm của đối phương. Bởi vậy kế hoạch vạch ra là bay sát dãy Trường Sơn để tránh radar địch phát hiện. Tuy nhiên, cách bay “mò” này cũng nguy hiểm khôn lường vì không có radar dẫn đường, rất dễ húc nào núi.

Thiếu tướng Hy chùng giọng: “Dù lường trước điều kiện khắc nghiệt, hy sinh chờ phía trước nhưng anh em trong sáu biên đội bay vẫn quyết tâm chi viện miền Nam nên sáu tổ bay xuất kích thì có năm tổ không quay về. Một số bay ra biển bị Hạm đội 7 Mỹ bắn, một số va vào núi. Đây là tổn thất lớn của lực lượng không quân Việt Nam thời điểm bấy giờ”.

Trong những cánh bay không về ấy, tướng Hy bày tỏ sự khâm phục kỹ thuật bay và tư tưởng chính trị của Đại đội trưởng Nguyễn Văn Bang là phi công chính của Trung đoàn 919.

Trang sử vẻ vang của quân chủng không quân

“Những năm 1960, tổng quân số của Trung đoàn 919 có khoảng 1.000 người. Sau một thời gian huấn luyện ở nước ngoài, năm 1964 Trung đoàn tiêm kích đầu tiên 921 của Quân chủng Phòng không không quân về nước tham gia chiến đấu. Năm 1965, ta mở mặt trận trên không và đánh thắng trận đầu. Trong hai ngày 3 và 4-4-1965 ta đã hạ hai chiếc F8U của hải quân và hai chiếc F105 của không quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng.”

Thiếu tướngPHAN KHẮC HY, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh
không quân

Nỗi canh cánh 50 năm

Tướng Hy day dứt vì 50 năm nay kể từ khi tham gia cuộc chiến Mậu Thân 1968, nhiều người trong số các biên đội bay năm 1968 đã nằm xuống nhưng họ vẫn chưa được ghi nhận công lao đầy đủ. Và ông nói bản thân ông cũng thấy có trách nhiệm trong vụ “cầu hàng không” này nhưng khi ấy tinh thần xung trận của các biên đội lên quá cao vì miền Nam thân yêu, khó khăn mấy cũng đi… Và các anh đã đi mãi không về.

Vị tướng già canh cánh trong lòng về hy sinh của những người lính dù vẫn chưa có danh sách đầy đủ về họ. “Hiện đã có danh sách đầy đủ anh em lái chính, lái phụ, cơ khí, dẫn đường nhưng không có danh sách đầy đủ của anh em lực lượng dù để tuyên dương, ghi nhận công lao của họ” - ông bùi ngùi.

Khi hỏi ông điều gì cần nói về sự kiện “cầu hàng không” này, ông dừng hồi lâu và nói: “Sự hy sinh của anh em là biểu hiện tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, vì miền Nam ruột thịt, dù hy sinh mất mát vẫn sẵn sàng xung phong. Và những người lãnh đạo khi ấy cũng chung một bầu “máu nóng” để đóng góp cho đồng bào miền Nam nên khó khăn mấy cũng xốc ra tiền tuyến. Nhưng khoa học kỹ thuật về máy bay vận tải thời điểm ấy chưa cho phép nên đã để lại tổn thất lớn về người và khí tài”.

Và vị tướng già bảo rằng ông vẫn nhớ như in lời căn dặn của Bác Hồ đối với lực lượng không quân: “Tổ tiên ta xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm đó trước hết là của các chú”.

Cầu hàng không giải cứu Kong Le

Ngoài sự kiện “cầu hàng không”, Trung đoàn 919 còn các chiến dịch tiếp tế vũ khí, lương thực khác giúp Lào như Nậm Thà năm 1962, cánh đồng Chum-Xiêng khoảng năm 1972.

Đặc biệt năm 1960, Trung đoàn 919 đã dùng trực thăng bay sang Lào đón Đại úy tiểu đoàn trưởng dù số 2 Kong Le trong sự kiện đảo chính lật đổ chính phủ hoàng gia Lào và đề nghị ta phối hợp. Ban đầu ta dùng trực thăng bay sang Lào. Tuy nhiên, do tính năng của loại máy bay này có hạn lại bay đường dài và không có chỉ huy mặt đất hỗ trợ nên chiếc trực thăng này bị gió thổi dạt sang Thái Lan. Giữa vòng vây truy kích của quân Thái Lan, những người có mặt trên chuyến bay định mệnh ấy đã mất 17 ngày đêm thoát khỏi vòng vây vượt sông Me Kong sang đất Lào an toàn. Đó là kỳ tích của lực lượng không quân. Về sau biên đội bay này đã được phong anh hùng.

Chuyến bay đầu bất thành, sau đó ta tiếp tục điều máy bay bà già An-2 sang Lào đón lần hai thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới