Hai đầu đạn súng cối đã tấn công của tòa nhà vào buổi trưa ngày hôm qua. Phát ngôn viên của tòa đại sứ Asiya Turuchiyeva khẳng định “một trong hai trái đạn cối đã rơi xuống ngay lối vào chính, trái còn lại đánh trúng vào tòa nhà hành chính.”
Nữ phát ngôn viên nói thêm, không có thương vong nào xảy ra trong cuộc tấn công. Theo đại diện của Bộ Ngoại giao Nga, đạn cối được bắn từ quận Jobar tại Damascus, khu vực mà “nhóm vũ trang bất hợp pháp” đang kiểm soát.
Khói bốc lên từ Tòa Đại sứ quán Nga tại Syria (Ảnh: Reuters)
Ông Aleksandr Lukashevich, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi xem sự cố là một hành động khủng bố nhắm vào tòa Đại sứ Nga. Chúng tôi kịch liệt phản đối các thủ phạm, tổ chức và kẻ chủ mưu đã gây ra vụ việc này. Chúng tôi tái khẳng định sẽ hợp tác với giới chức trách Syria trong nỗ lực chống lại mối đe dọa khủng bố tại nơi đây.”
Moscow đã thúc giục cộng đồng quốc tế “đánh giá một cách đúng đắn về cuộc công kích khủng bố chống lại sứ mệnh ngoại giao Nga” và yêu cầu các lực lượng cực đoan tại Syria “cần phải chấm dứt hành động này”. Ngay sau đó, chính quyền Syria đã nhanh chóng phản hồi, khẳng định sẽ thắt chặt công tác an ninh và bảo vệ sự an toàn cho Tòa Đại sứ Nga.
Tòa nhà đại sứ Nga tại Syria nhìn từ chính diện (Ảnh: The Guardian)
Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng phản đối “hành động khủng bố” này và kêu gọi đưa lực lượng chịu trách nhiệm vụ việc ra tòa. Đại sứ và đại diện thường trực của Lithuania Raimonda Murmokaite tuyên bố trước báo giới: "Các thành viên của Hội đồng Bảo an nhấn mạnh cần phải đưa thủ phạm của hành vi đó ra trước tòa."
Đây là lần thứ hai Đại sứ quán Nga tại Damascus bị công kích trong năm nay. Vụ việc xảy ra trước đó vào tháng Giêng khi một trái đạn đánh trúng nóc tòa nhà của lãnh sự quán.
Syria chìm trong một cuộc nội chiến đẫm máu kể từ tháng 3 - 2011, khi lực lượng chính phủ của Tổng thống Bashar Assad chiến đấu chống lại các nhóm đối lập và khủng bố, bao gồm cả Al-Qaeda có liên kết với lưc lượng Nusra Front và Nhà nước Hồi giáo.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hơn 220.000 người đã thiệt mạng và khoảng 5 triệu người phải tị nạn trong cuộc xung đột kéo dài bốn năm.