Kích cầu mua sắm cuối năm: Cần “liều thuốc”đủ mạnh

(PLO)- Giảm mạnh thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công cùng với việc giảm hoặc giãn các loại thuế, phí, lệ phí khác… sẽ tạo điều kiện để kích cầu tiêu dùng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh sức mua yếu, kinh tế đang gặp nhiều thách thức thì việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), để kích thích sức mua, khuyến khích người dân mua sắm… Nhà nước cần có những giải pháp mạnh mang tính đột phá. Ví dụ như giảm mạnh thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tất cả đối tượng, giảm thuế thu nhập cá nhân…

w-P11-ba-Ly-Kim-Chi.jpg
Bà LÝ KIM CHI

LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM:

Không tăng giá để kích cầu mua sắm cuối năm

Hiện nay, các DN ngành lương thực, thực phẩm đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa cho thị trường mùa mua sắm cuối năm. Dự kiến nếu sức mua tăng 15%-20% các DN vẫn đủ sức cung ứng.

Đặc biệt, có 11 nhóm hàng với 44 công ty đã tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM, chủ yếu là nhu yếu phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau… Các DN cam kết từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá để kích cầu mua sắm.

Hiện các sở, ngành, các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP.HCM cũng đã có các chương trình kích cầu, tạo điều kiện để hàng hóa sản phẩm giá cả hợp lý đến với người tiêu dùng. Đơn cử như Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức chương trình giá bình ổn, tháng khuyến mãi… để thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận hiện nay sức mua thị trường hơi yếu, tăng rất ít. Khó khăn của DN hiện nay nằm ở chỗ đầu vào nguyên vật liệu nhập khẩu tăng do tỉ giá biến động tăng cao, đẩy chi phí đầu vào tăng lên. Trong bối cảnh đó, Nhà nước giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là hợp lý. Việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT sẽ giúp giảm giá hàng hóa, người dân mạnh dạn chi tiêu.

w-P11-TS-Le-Ba-Chi-Nhan.jpg
TS Lê Bá Chí Nhân

TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:

Giảm mạnh thuế VAT xuống 5%, liên kết cùng kích cầu

Để kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn thì trước tiên thuế VAT phải giảm. Bởi giảm thuế thì giá hàng hóa mới hạ, DN mới dễ tính toán giá thành sản xuất, tăng cạnh tranh, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, theo tôi phải giảm mạnh thuế VAT 5%, từ mức 10% xuống còn 5% mới đủ sức kích cầu nền kinh tế thay vì chỉ giảm 2% như hiện nay.

Ngoài ra, kích cầu không nên chỉ dừng lại ở hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm mà cần kích cầu tiêu dùng từ du lịch, dịch vụ và các lĩnh vực ngành nghề khác. Đặc biệt TP.HCM cần đẩy mạnh liên kết với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL… cùng kích cầu tiêu dùng mới có hiệu quả cao.

w-P11-kich-cau tieu dung.jpg
Giảm thuế VAT mang lại nhiều tác động tích cực đối với doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt giúp tăng tiêu dùng nội địa. Ảnh: TÚ UYÊN

Kích cầu tiêu dùng trên nền tảng số

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng đầu năm nay tăng trưởng 9,7%, thấp hơn mức tăng trưởng 11% của giai đoạn trước dịch COVID-19. Vì vậy, để gia tăng sức mua, một số địa phương đã tích cực tổ chức các chương trình khuyến mãi, hội chợ, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.

Tuy nhiên, cần tiếp tục ổn định nguồn cung, giá cả hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Song song đó cần kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, trong đó bao gồm cả các chương trình kích cầu tiêu dùng trên nền tảng số.

w-P11-chuyen-gia-Nguyen-Tri-Hieu.jpg
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Tăng tiền lương công chức, ngăn trốn thuế

Tôi đề xuất phải giảm thuế VAT xuống 5% và áp dụng trong cả năm 2024 thì mới kích cầu hiệu quả lâu dài. Mặt khác, chính sách thuế rất quan trọng, vì vậy Chính phủ và các cơ quan quản lý thuế cần tìm các giải pháp để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, hoạt động rửa tiền, gian lận thuế. Cùng với đó cần đẩy mạnh việc thanh toán giao dịch không tiền mặt.

Khi kiểm soát, ngăn chặn được trốn thuế thì Nhà nước sẽ có thêm tiền để chi tiêu cho nhiều lĩnh vực. Nhà nước là người tiêu dùng lớn nhất của nền kinh tế và giúp kích cầu tiêu dùng rất mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần nghiên cứu mức thuế tối thiểu cho thu nhập cá nhân, bắt đầu từ một mức thu nhập tối thiểu tính thuế nào đó để áp thuế suất. Khi đó sẽ đảm bảo công bằng, người thu nhập cao đóng thuế cao, còn người làm công ăn lương cảm thấy không bị tận thu.

Đồng thời để kích cầu hiệu quả cần đẩy mạnh đầu tư công, cải cách mạnh hơn nữa chính sách tiền lương cán bộ, công chức nhà nước. Vì tăng tiền lương mới đảm bảo được sinh hoạt, chi tiêu của họ và để giảm thiểu tham nhũng, bộ máy hành chính vận hành hiệu quả, minh bạch tạo động lực phát triển kinh tế. Nhìn sang Singapore, tiền lương công chức họ rất phù hợp với sinh hoạt, cuộc sống ổn thỏa thì tham nhũng tự triệt tiêu.

w-P11-ong-Nguyen-Quoc-Anh2.JPG
Ông NGUYỄN QUỐC ANH

Ông NGUYỄN QUỐC ANH, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM:

Gỡ vướng cho các doanh nghiệp để kích cầu

Để kích cầu tiêu dùng thì quan trọng nhất là người dân có tiền. Nhưng hiện nay sản xuất, kinh doanh khó khăn, thu nhập giảm dẫn đến sức mua yếu. Các DN không bán được hàng, doanh thu sụt giảm, lương lao động cũng giảm theo. Trong đó nguyên nhân một phần do bất động sản khó khăn, nhiều dự án vướng mắc vì thủ tục pháp lý.

Trong khi bất động sản ảnh hưởng đến hàng chục ngành nghề khác nhau. Bất động sản cũng là ngành quan trọng của nền kinh tế, chiếm tỉ trọng lớn trong GDP. Cụ thể, theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngành bất động sản đóng góp trực tiếp 4,58% GDP và đóng góp tổng hợp là 13,6% GDP vào năm 2019. Một nghiên cứu của đơn vị này được công bố trong năm 2021 cho thấy quy mô ngành bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020-2030 có thể lên đến 22% so với tổng tài sản toàn nền kinh tế.

Do đó, nếu tháo gỡ được khó khăn cho các DN nói chung và cho các dự án bất động sản nói riêng thì chắc chắn sẽ tác động lớn tới nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng cho những lĩnh vực khác và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Đề xuất giảm thuế VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn góp ý Bộ Tài chính về việc giảm thuế VAT.

Theo đó, VCCI cho rằng việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT sang nửa đầu năm 2024 là cần thiết, góp phần giúp DN lấy lại đà tăng trưởng, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống 8% thay vì chỉ áp dụng với một nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Lý do: Hiện tình hình kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và tình trạng này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm sau. Hơn nữa, các DN gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách giảm thuế VAT, chủ yếu từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng nào được giảm xuống 8%. Dù Chính phủ đã có các nghị định nhằm hướng dẫn thực hiện nhưng thực tế việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau còn nhiều lúng túng.

Ngoài ra, nhiều công ty hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định vì sợ sai. Nhiều công ty phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới.

Thậm chí có công ty phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.

“Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả loại hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống mức 8%” - VCCI nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với đề xuất của VCCI, nhiều chuyên gia cho rằng hiện Chính phủ đang có chủ trương kích cầu như giảm thuế VAT, đẩy mạnh chi tiêu công. Nhưng để kích cầu tiêu dùng thành công, Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ việc miễn, giãn, giảm các loại thuế, phí. Lý do là các giải pháp này giúp cho cả người dân lẫn nhà kinh doanh hưởng lợi, từ đó kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tìm các giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng chạy vào sản xuất, tiêu dùng thông qua giảm lãi suất cho vay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm