Kiểm định khói xe máy: Đủ cái khó!

Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, vừa có công văn yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương thực hiện đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe máy đã được Thủ tướng quyết định phê duyệt từ năm 2010.

Xe bao năm sẽ bị kiểm khói?

Năm 2009, Cục Đăng kiểm xây dựng dự thảo đối tượng, lộ trình kiểm khói xe máy. Theo dự thảo, xe máy sau ba năm sử dụng sẽ bị kiểm khói lần đầu, chu kỳ kiểm định tiếp theo là một năm/lần. Sau khi nhận được ý kiến phản biện từ các cơ quan, Cục Đăng kiểm đưa ra lộ trình: Giai đoạn 2010-2013 sẽ kiểm khói đối với xe máy từ trên 10 năm tuổi ở TP.HCM và Hà Nội. Giai đoạn 2013-2015 sẽ kiểm khói xe máy từ trên bảy năm tuổi ở năm TP lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Suốt từ năm 2009 đến nay, vấn đề tuổi xe phải kiểm khói đã gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng việc lấy tuổi xe (ba, bảy hoặc 10 năm) để buộc phải đi kiểm khói là thiếu khoa học. Bởi có một trong hai thông số để xác định xe giảm chất lượng (đồng nghĩa với mức xả thải càng cao) là thời gian sử dụng hoặc số kilômet lưu hành. Tại năm TP lớn, hơn 90% dân số sử dụng xe máy làm phương tiện lưu thông, tần suất sử dụng xe rất cao nên việc lấy thời gian sử dụng xe để buộc phải kiểm khói sẽ không chính xác.

TP.HCM hiện có hơn 3,5 triệu xe máy, trong đó có không ít xe đang gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HTD

“Với các xe đời mới, xe tay ga có cơ chế đánh lửa, phun xăng tự động dù chưa qua ba năm sử dụng nhưng nếu chạy nhiều thì bầu lọc gió bám bụi, bugi bám đầy muội than…  khí xả phát thải vẫn cứ vượt chuẩn” - ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-04 V, TP.HCM, khẳng định.

Tuy nhiên, các ý kiến khác cho rằng nếu lấy số kilômet lưu hành làm căn cứ để buộc kiểm khói cũng không ổn vì chủ xe sẽ có nhiều cách lách (như nhờ thợ giảm số kilômet trên đồng hồ…), gây khó cho cơ quan chức năng.

Thiếu quy định chế tài

Theo quyết định phê duyệt đề án, trong giai đoạn một, việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe máy sẽ áp dụng với người sử dụng xe ở TP.HCM và Hà Nội. Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-06 V, TP.HCM, cho hay khái niệm “ở” đã gây nhiều tranh cãi.

Thứ nhất, nếu khái niệm “ở” được hiểu là người có hộ khẩu TP, có xe đăng ký biển số TP thì sẽ dẫn đến tình trạng người dân về tỉnh đăng ký rồi đưa xe lên TP chạy (giống như khi hạn chế đăng ký xe trước đây). Thứ hai, nếu “ở” có nghĩa là toàn bộ xe lưu thông trên các tuyến đường thì xe từ các tỉnh lại không thể chạy ở TP được, muốn chạy thì phải kiểm khói.

Về chế tài, trong quyết định phê duyệt, Thủ tướng giao Bộ GTVT, Bộ Công an xây dựng, trình Chính phủ bổ sung quy định xử phạt người lái xe mô tô, xe máy không kiểm định khói, khói xe không đạt chuẩn… Từ năm 2009 đến nay, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng chưa có điều khoản nào chế tài xe máy không kiểm khói, khói không đạt chuẩn.

“Nay Bộ trưởng Thăng thúc đăng kiểm phải sớm kiểm khói mà không có quy định chế tài, mức tiền phạt thì người dân có chịu đưa xe đi kiểm khói không?” - ông Trần Hữu Thái, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-03V, TP.HCM, đặt vấn đề.

Cùng đó, theo nhiều chuyên gia đăng kiểm, muốn có cơ sở để kiểm tra, xử phạt xe xả thải vượt chuẩn thì trước hết Cục Đăng kiểm và Bộ GTVT phải đưa ra quy chuẩn về con tem (nhỏ như đồng xu) để dán ở góc trên, bên phải của biển số. Nhưng đến nay con tem chứng nhận xe đạt chuẩn về khói này vẫn chưa thấy đâu.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Xã hội hóa việc kiểm khói: Không dễ “ăn”

Theo Bộ GTVT, việc kiểm khói mô tô, xe máy sẽ được xã hội hóa với sự tham gia của các nhà sản xuất, lắp ráp và các đại lý bán, sửa chữa, bảo dưỡng loại xe này. Cục Đăng kiểm dự định xây dựng các trung tâm đăng kiểm ở năm TP lớn thành “hạt nhân” của đề án kiểm khói. Các hãng sản xuất, lắp ráp xe máy như Honda, Suzuki, Piaggio, Yamaha, SYM... là các cơ sở vệ tinh. Các đại lý chính, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng của các hãng trên sẽ là vệ tinh cấp 2.

“Các hãng và hệ thống đại lý bán xe, bảo hành đều có sẵn nhân viên kỹ thuật và thiết bị. Khi kiểm tra khói, nếu xe máy nào không đạt chuẩn khí thải, họ có thể kết hợp sửa chữa, thay thế phụ tùng để xe đạt yêu cầu” - một cán bộ Cục Đăng kiểm nói.

Thoạt nhìn, việc mở cho các trung tâm đăng kiểm kiểm khói xe và mức phí kiểm định, lệ phí cấp, dán tem 50.000 đồng/xe/lần là khá hấp dẫn. Bởi khâu kiểm khói xe máy chỉ mất 3-5 phút/xe, trong khi kiểm định một xe ô tô bốn chỗ với 54 hạng mục, 120-200 nội dung phải mất ít nhất 45 phút mà chỉ thu được 260.000 đồng/xe.

Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng các trung tâm đăng kiểm không nên “ôm” thêm kiểm khói xe máy vì việc kiểm xe ô tô hiện đã quá tải. Còn chủ một đại lý xe máy ở khu vực chợ An Đông thì cho rằng lâu nay việc chăm sóc, bảo hành xe đều mang tính tự nguyện. Nay “dính” thêm chuyện kiểm khói, dán tem thì khách hàng sẽ không đem xe đến nữa!

Dựng cơ sở rồi bỏ không

Năm 2010, Cục Đăng kiểm cho thành lập hai cơ sở kiểm định khí thải mô tô, xe máy ở TP.HCM và Hà Nội. Nhưng do thiếu các quy định chế tài người không đưa xe đi kiểm khói, quy định về xe tỉnh hay TP phải kiểm… nên đến nay hai cơ sở này vẫn bỏ không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm