Kiếm được 1.400 tỷ từ trái vải thiều nhờ lý do này

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 ngày 29-12, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông sản phong phú. Nhiều sản phẩm nông sản địa phương không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới, điển hình như Hoa Kỳ, châu Âu...

“Hải Dương đã xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới với các trụ cột là nông nghiệp hàng hóa, tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…” - ông  Hùng cho hay.

Vải thiều Hải Dương đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Ảnh: V.ANH

Thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới kinh tế - xã hội của tỉnh là không hề nhỏ, tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, sản xuất nông nghiệp là điểm sáng của địa phương trong năm 2021 với mức tăng trưởng cao: 6,9%, đặc biệt sản xuất vụ đông năm 2021 đạt mức tăng trưởng 8,7%.

Với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số, vừa qua, Hải Dương đã đưa hơn 300 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

"Ví dụ như quả vải thiều Hải Dương, năm 2020 thu về trên 600 tỷ đồng, thì năm 2021 khi đưa lên 30 sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế, trong nước đã thu về khoảng trên 1.400 tỷ đồng” - ông Hùng thông tin.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Cao Khuê, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao, nhận định năm 2021, không chỉ ngành nông nghiệp của Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, biện pháp kịp thời của Chính phủ, công tác sản xuất, chế biến và xuất khẩu của ngành hàng rau quả vẫn duy trì ổn định và không bị đứt gãy.

Tính hết tháng 12-2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,52 triệu USD, tăng 8% so với năm 2020. Trong đó có tốp 10 thị trường xuất khẩu lớn, như Trung Quốc tăng 4% so với năm 2020, Hoa Kỳ tăng 33%, Hàn Quốc tăng 8%, Nhật Bản tăng 21%, Đài Loan tăng 36%, Hồng Kông tăng 40%, Úc tăng 25%.

“Dư địa xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều. Hiện nay, nhiều khách hàng tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Israeal sẵn sàng đặt hàng số lượng lớn nếu chúng ta có những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn” – ông Khuê cho biết.

Ngoài ra, ông Khuê cho rằng, với điều kiện đất đai thổ nhưỡng thuận lợi, Việt Nam có nhiều vùng có thể trồng nhiều loại cây rau quả ông đới phục vụ cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản như Tây Bắc, Tây Nguyên.

Để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị, kết hợp việc xuất khẩu rau quả tươi và sản phẩm chế biến, ông Đinh Cao Khuê đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến sâu nhiều loại, đa dạng sản phẩm chế biến trong thời gian tới.

“Dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến khâu logistics của Việt Nam. Vì vậy, Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công Thương cần tổ chức công tác thông tin về thị trường một cách kịp thời, nhanh nhạy, giảm rủi ro cho các doanh nghiệp” - ông Khuê đề xuất.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới