Kiểm soát lạm quyền

Tựa hồ như, nếu là căn chòi giữ bãi thì khi họ nghiến nát nó, sai phạm có thể thành sai sót nhỏ. Hay khi cố chứng minh ngôi nhà ấy xây dựng trái phép thì họ có thể bầy đoàn diễu võ dương oai phá bỏ mà không cần tuân theo bất kỳ một trình tự thủ tục nào.

Huyện đã úp bộ cả một vụ cưỡng chế, huy động cả các lực lượng sức mạnh tham gia, xâm hại lợi ích của công dân với một phương án sơ sài, bất chấp những quy phạm thiết yếu. Cưỡng chế xong lại để phá hủy tài sản của công dân. Khi có những phản ứng của công luận lại hết sức tùy tiện huy động các công cụ chính thức của Đảng, của Nhà nước để “chống trả”, phát ngôn loạn ẩu, xúc phạm nhân dân. Tình trạng đó không chỉ diễn ra từ một cán bộ, công chức mà ở nhiều người, nhiều tổ chức. Cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh, người đã từng đứng đầu lực lượng vũ trang của đất nước đã nói rõ những sai phạm ấy khi phân tích việc sử dụng quân đội tham gia vào vụ cưỡng chế này. Vấn đề là làm sao một vị chủ tịch huyện, thậm chí cả lãnh đạo huyện lại có thể tày trời như vậy?

Việc đập phá đang bị khởi tố, kết quả ra sao còn chờ điều tra của Công an TP Hải Phòng. Những tìm kiếm ban đầu của báo chí cho thấy có dấu hiệu chính những người lãnh đạo địa phương đã phát lệnh cho hành vi cường bạo ấy. Nếu đó là sự thật thì khó có minh họa nào cụ thể hơn về một báo nguy cho chế độ mà Hội nghị Trung ương 4 vừa kết luận, một bộ phận không nhỏ, kể cả lãnh đạo, suy thoái về chính trị, phai nhạt về lý tưởng.

Các nhà nghiên cứu khoa học chính trị đã chỉ ra xu hướng quyền lực dễ bị tha hóa. Như nhóm tác giả trong đề tài nghiên cứu thuộc “Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”(1), nhận định thực tế ở nước ta “phạm vi quyền lực chưa được xác định rõ ràng, còn chồng chéo nhau, nên hoạt động hiệu quả chưa cao và cũng rất khó kiểm soát”. Nhóm tác giả này cho rằng quyền lực phải được kiểm soát, vì “nếu không được kiểm soát thì lực lượng cầm quyền sẽ dùng quyền lực để mưu lợi cho mình, trở thành xa lạ, đối lập với nhân dân”. Nhóm tác giả này cũng phân tích: Cùng với tự kiểm soát của hệ thống chính trị, còn phải thực hiện sự kiểm soát của nhân dân. Nếu nhân dân thụ động, thiếu trách nhiệm, trình độ thấp sẽ là môi trường thuận lợi cho sự lạm quyền, chuyên quyền.

Có thể nói hơn một tháng qua kể từ ngày vụ việc đáng tiếc ở Tiên Lãng xảy ra, công luận đã thể hiện một thái độ tích cực trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức công dân. Từ các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc đến các đoàn thể chính trị, các tổ chức nghề nghiệp và cả ở địa phương đã vào cuộc. Đó cũng là một động lực để lãnh đạo Hải Phòng, lãnh đạo Tiên Lãng, lãnh đạo xã Vinh Quang nghiêm túc phê bình, tự phê bình theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4 từ vụ việc này.

Nhưng cũng như nhóm tác giả nghiên cứu nói trên do chính PGS-TS Tô Huy Rứa, người đương nhiệm vị trí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nêu trong khuyến nghị của đề tài: “Nhưng cơ bản là xây dựng thể chế đảm bảo cho nhân dân thực sự tham gia vào đời sống chính trị, thực hiện kiểm soát quyền lực chính trị”. Những đề nghị xây dựng thể chế như vậy được các tác giả đề cập cụ thể có: Những chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân phải có tổ chức hoặc đại biểu của nhân dân giám sát quá trình ra chính sách, thực thi chính sách và kiểm tra đánh giá chính sách; hằng năm lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân với một số chức danh quan trọng trong hệ thống Đảng và Nhà nước, đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở rộng thực hiện các loại hình dân chủ trực tiếp, triển khai có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đó cũng là những kiến nghị mở ra khả năng góp sức cùng Chính phủ kiểm soát quá trình thực thi pháp luật vốn đang tồn tại nhiều yếu kém, để lời dạy “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một phương châm nhất quán trong cả hệ thống công bộc của dân.

TÂN DÂN

(1) Đề tài thực hiện bởi các tác giả: PGS-TS Tô Huy Rứa, GS-TS Lưu Văn Sùng, TS Ngô Huy Đức, Ts Tống Đức Thảo, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm