"Với tính chất như vụ việc này, tôi cho rằng 24 tiếng đồng hồ sau vụ nổ súng, Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, với bộ máy tham mưu đồ sộ, hoàn toàn có thể thấy được đúng - sai và có giải pháp xử lý chứ không phải đợi đến khi Thủ tướng có ý kiến mới xem xét, nhận lỗi."Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII-IX, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa IX.
Đợi xem kết quả kiểm điểm của thường vụ Thành ủy Hải Phòng
. Chủ trương thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng không chỉ được thảo luận trong Huyện ủy Tiên Lãng, mà đã được báo cáo lên Thường trực Thành ủy Hải Phòng và được chấp thuận. Nói cách khác, những sai phạm nghiêm trọng trong vụ này có trách nhiệm cả huyện và TP. Vậy để Thường vụ Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo kiểm điểm cấp dưới có đảm bảo khách quan?
+ Điều đó đòi hỏi tinh thần trung thực với Đảng. Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã nói sẽ nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng. Như vậy hãy tin tưởng và đợi xem kết quả kiểm điểm thế nào. Hy vọng Thường vụ Thành ủy Hải Phòng khách quan, trung thực, nhìn thẳng sự thật, chỉ đạo kiểm điểm cấp dưới đến nơi đến chốn, và bản thân từng đồng chí sai lầm đến đâu đều trung thực nhận lỗi trước BCH Thành ủy và trước Trung ương.
Còn nếu bao che cấp dưới thì cấp trên nữa là Trung ương và nhất là ngàn vạn con mắt nhân dân sẽ soi rọi vào. Lúc ấy, ngoài khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo vụ việc Tiên Lãng, cán bộ các cấp ủy Hải Phòng còn thêm “tội” không thành khẩn, trung thực. Đây là tình tiết tăng nặng trong kỷ luật đảng.
. Diễn biến vụ việc cho thấy báo chí đã mổ xẻ sai lầm vụ cưỡng chế cả tháng trời nhưng phải khi Thủ tướng thông báo chủ trì họp giải quyết, lãnh đạo Hải Phòng mới bắt đầu thừa nhận một số sai phạm. Vậy liệu có đủ tin tưởng là ở khâu kiểm điểm này, Hải Phòng sẽ nghiêm túc tự giác?
+ Tôi cho rằng trước vụ việc nghiêm trọng, phức tạp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên chủ động vào cuộc, cử cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm điểm của các cấp ủy ở Hải Phòng, thậm chí từ xã lên TP.
Ngoài ra, phải công khai, trung thực với dân về kết quả kiểm điểm. Không nhất thiết phải công bố toàn bộ nhưng những nội dung cơ bản, nhất là trách nhiệm của từng cán bộ, tổ chức Đảng cũng như hình thức kỷ luật thì phải công khai để người dân giám sát, đánh giá.
Sau vụ cưỡng chế, chị Thương, chị Hiền cùng các con không còn nơi ở, phải tá túc nhà người bà con. Ảnh: KL
Vì sao cả hệ thống chính trị địa phương phụ họa cái sai
. Báo chí thu thập được những thông tin rằng trong Thường vụ Huyện ủy Tiên Lãng và Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, khi bàn chủ trương thu hồi, cưỡng chế đã có không ít ý kiến phản đối. Vấn đề này, việc kiểm điểm cần lưu ý gì?
+ Điều đó chứng tỏ những sai phạm, vi phạm pháp luật xảy ra ở Hải Phòng, Tiên Lãng thì trong nội bộ cấp ủy địa phương đã có người cảnh báo. Vậy quá trình kiểm điểm cần làm rõ các chủ trương này đã được đưa ra thảo luận thế nào, có đảm bảo nguyên tắc tập trung - dân chủ của Đảng không? Từng đồng chí trong thường vụ hai cấp thể hiện quan điểm, chính kiến thế nào? Họ có quyết liệt bảo vệ quan điểm không, hay thỏa hiệp, dĩ hòa vi quý? Ai, điều gì nâng đỡ ý kiến sai trái thắng thế ý kiến đúng đắn? Tại sao báo chí, chuyên gia có uy tín đã mổ xẻ, phân tích sai phạm thuyết phục thế mà cả hệ thống chính trị, kể cả MTTQ địa phương vẫn một giọng phụ họa cho cái sai của chính quyền?...
Vụ việc Tiên Lãng nếu kiểm điểm nghiêm túc sẽ rút ra được vô số bài học quý giá, mà ít nhất ở riêng khía cạnh này cần đánh giá lại, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung - dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Cần có cơ chế khuyến khích đảng viên thể hiện chính kiến và bảo lưu ý kiến nếu mình rơi vào thiểu số.
Vụ việc nghiêm trọng mà chỉ có cán bộ hưu lên tiếng!
. Hải Phòng đã thừa nhận sai lầm, vi phạm khi để xảy ra vụ Tiên Lãng cũng như việc chậm khắc phục, xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên, chưa thấy bộ, ngành nào nói về trách nhiệm của mình, trong chức năng quản lý nhà nước ở trung ương. Ý kiến ông thế nào?
+ Với tính chất như vụ việc này, tôi cho rằng 24 tiếng đồng hồ sau vụ nổ súng, Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, với bộ máy tham mưu đồ sộ, hoàn toàn có thể thấy được đúng - sai và có giải pháp xử lý chứ không phải đợi đến khi Thủ tướng có ý kiến mới xem xét, nhận lỗi.
Các cơ quan trung ương cũng vậy, 24 tiếng sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng, phản ánh những bất cập, dấu hiệu sai phạm của sự việc thì các bộ, ngành liên quan đã phải chủ động cử người xuống địa phương, nắm tình hình. Rõ ràng, ngay các bộ, ngành trung ương đã thiếu tính nhạy cảm, chủ động mà lẽ ra là trách nhiệm của mình.
Không đời thuở nào, vụ việc chấn động như thế mà Thủ tướng phải hai lần có ý kiến, các cấp, các ngành mới bắt đầu lập cập xử lý. Và rất lạ là một việc gây tranh cãi pháp lý như thế mà chỉ thấy những cán bộ về hưu như anh Đặng Hùng Võ lên tiếng, trong khi cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực không có ý kiến chính thức lần nào.
Tôi nghĩ, đây cũng là vấn đề phải mổ xẻ, rút kinh nghiệm.
. Sự việc xảy ra vào đúng lúc Trung ương vừa ban hành nghị quyết về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Nghị quyết này soi rọi thế nào vào quá trình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm ở Hải Phòng, Tiên Lãng?
+ Nghị quyết đã chỉ ra những vấn đề và giải pháp cấp bách, trong đó có ý về cơ chế từ chức. Tôi nghĩ, sẽ là rất hay nếu đồng chí nào đó có trách nhiệm ở Hải Phòng, Tiên Lãng, tự thấy trách nhiệm của mình mà từ chức. Nhận thức được sai phạm của mình, trách nhiệm chính trị - pháp lý của mình mà từ đó tạo ra tiền lệ, cổ xúy cho văn hóa từ chức trong sinh hoạt Đảng thì thật tuyệt vời.
. Xin cảm ơn ông.
NGHĨA NHÂN
Muốn đổ lỗi cũng sẽ khó . Thưa ông, ngoài việc yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chủ tịch UBND TP Hải Phòng báo cáo vụ việc và chủ trì họp chỉ đạo giải quyết, Thủ tướng, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị còn yêu cầu Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp, thống nhất quan điểm, báo cáo toàn bộ vụ việc. Vậy phải chăng, vụ Tiên Lãng này, Bộ Chính trị đã vào cuộc? + Hồi tôi làm Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) về một số vấn đề cơ bản, cấp bách trong xây dựng Đảng, khi xảy ra những việc nghiêm trọng, phức tạp, các đồng chí trong Bộ Chính trị thường thống nhất giao cho một đồng chí chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo giải quyết, xử lý. Trường hợp này có thể cũng như vậy. Nhưng Thủ tướng là người đứng đầu hành pháp nên việc chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng thường tập trung vào khía cạnh pháp luật và thực thi pháp luật. Tôi nghĩ rằng vụ việc phức tạp này còn nhiều khía cạnh khác phải xem xét, xử lý, rút kinh nghiệm. Thế nào Ban Bí thư, các ban đảng sẽ tham gia và có ý kiến, nhất là các khía cạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 vừa thông qua. Tất nhiên, việc chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng là rất quan trọng. Có vẻ còn nhiều tranh cãi pháp lý trong sự việc này. Vì vậy, với sự tham gia của các bộ, ngành trung ương, kết quả chỉ đạo của Thủ tướng sẽ giúp Hải Phòng hiểu rõ hơn đúng - sai trong chủ trương quản lý, sử dụng, thu hồi đất nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi mà địa phương đã thực hiện gần 20 năm qua. Qua đó, kiểm điểm đúng - sai sẽ thuận lợi hơn và ai đó muốn né tránh, đổ lỗi cũng khó mà làm được. |