Kiểm soát rủi ro từ việc tiêu thụ thịt chó mèo

Kiểm soát rủi ro từ việc tiêu thụ thịt chó mèo

(PLO)- Giết mổ và tiêu thụ thịt chó mèo chính là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Theo thống kê của các Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS), trung bình hằng năm tại Việt Nam có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán và giết thịt.

Mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng

Hoạt động buôn bán vận chuyển giết mổ và tiêu thụ thịt chó mèo chính là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng động vật đồng hành tại Việt Nam (thú cưng như chó, mèo...), có xu hướng gia tăng, trở thành những người bạn thân thiết và thành viên trong gia đình.

Dù vậy, chúng cũng có một số tác động đến sức khỏe cần được quan tâm và giải quyết, đặc biệt là bệnh dại gây chết người vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Theo đó, Khung đối tác Một sức khỏe (MSK) về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP) sẽ điều phối và hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết các rủi ro do căn bệnh hiện tại cũng như nguy cơ lây lan của các mầm bệnh mới nổi trong tương lai.

Sau nửa năm FOUR PAWS trở thành thành viên của OHP, Nhóm Công tác Kỹ thuật Động vật Đồng hành do đơn vị này đảm nhận vị trí đối tác quốc tế thường trực, đã tổ chức cuộc họp đầu tiên.

Tại cuộc họp này, một số thành viên đề xuất Nhóm công tác xác định địa phương tiềm năng ở Việt Nam để có thể thí điểm dự án chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo. Theo đó, FOUR PAWS ủng hộ việc chấm dứt buôn bán, giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo.

Bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS International, cho biết, tổ chức sẽ tiếp tục thực hiện các việc quản lý nhân đạo số lượng đàn chó và hoạt động buôn bán thịt chó, mèo.

Điều này nhằm đưa Việt Nam thành một nơi an toàn hơn cho cả người dân nói chung và chó, mèo nói riêng; đồng thời, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

thịt chó mèo
Tiêu thụ thịt chó mèo làm tăng nguy cơ rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. Ảnh: HẠ QUYÊN

Nuôi thả thú cưng có trách nhiệm

Theo báo cáo của Cục thú y (Bộ NN-PTNT), năm 2023, cả nước đã xảy ra 347 ca bệnh dại trên động vật tại 202 xã thuộc 106 huyện của 31 tỉnh, thành phố. Giám sát chủ động tại 7 tỉnh với 1.146 trường hợp điều tra, phát hiện 55% dương tính bệnh dại khi lấy mẫu của 113 con chó nghi mắc bệnh dại.

Cùng với đó, tỉ lệ chó mèo được tiêm phòng còn thấp, đạt khoảng 47% so với tổng đàn, và chỉ có 12 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ tiêm phòng hơn 70% tổng đàn. Trong khi đó, chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vacxin dại.

Hiện công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lỏng lẻo, hầu hết địa phương chưa có đội chuyên trách bắt chó thả rông. Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: các bên liên quan cần tập trung vào một số giải pháp, trong đó có vấn đề sở hữu thú cưng có trách nhiệm; quản lý động vật đồng hành thả rông.

Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề kiểm soát bệnh dại trong quản lý nhân đạo động vật đồng hành thả rông. Nạn trộm cắp chó và mèo là vấn đề gắn liền với hoạt động buôn bán thịt chó, mèo ở Việt Nam đã gây ra nhiều bức xúc, bất bình trong người dân.

“Mục tiêu kiểm soát bệnh dại của Việt Nam vào năm 2030 phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý nhân đạo đàn chó mèo, chiến lược tiêm phòng cho chó và mèo, cũng như một số yếu tố khác, bao gồm giáo dục cộng đồng và khả năng tiếp cận vắc xin.

Về các quy định liên quan đến đối xử nhân đạo đối với động vật đồng hành, hiện tại, Việt Nam không có quy định cụ thể nào đối với chó và mèo", ông Đăng cho biết.

thit-cho-meo_1.jpeg
Quản lý vật nuôi tốt giúp giảm thiểu rủi ro về các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ảnh: HẠ QUYÊN

Về vấn đề này, ông Vũ Thanh Liêm, Trưởng ban thư ký đối tác MSK cho rằng: "Một số nước láng giềng như Hàn Quốc, Campuchia đã có những quy định triệt để trong việc bắt nhốt, giết mổ trái phép chó, mèo.

Vì thế, không có cớ gì Việt Nam không làm được và học hỏi theo những tiến bộ quốc tế về phúc lợi động vật nói chung và động vật đồng hành nói riêng”.

Đọc thêm