Kiểm soát sai lệch, biến tướng khi thực hiện đầu tư PPP trong giáo dục

(PLO)- Theo các chuyên gia Học viện Cán bộ TP.HCM, cần phải thay đổi tư duy trong thực hiện đầu tư PPP (đối tác công - tư) từ tinh thần đến việc triển khai thực hiện trong giáo dục. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-12, Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Chính trị - Pháp Luật (Hội đồng Hiệu trưởng các Trường ĐH TP.HCM) đã tổ chức tọa đàm khoa học “cơ chế thí điểm cho TP.HCM để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.

Tọa đàm được tổ chức tại Học viện Cán bộ TP.HCM.

TP.HCM làm gì để không biến tướng, méo mó phương thức đầu tư PPP?-dau-tu-ppp-giao-duc
Toàn cảnh tọa đàm thúc đẩy xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ảnh: THÀNH LÂN

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã nêu những khó khăn, thách thức của TP.HCM khi thực hiện đầu tư cho lĩnh vực giáo dục theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

Đầu tư PPP phải tuân thủ quy trình phức tạp

TS Trịnh Thục Hiền, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, cho rằng việc đầu tư theo PPP tư là một hình thức cấp vốn tiềm năng để xây dựng cơ sở hạ tầng.

TP.HCM làm gì để không biến tướng, méo mó phương thức đầu tư PPP?-dau-tu-ppp-giao-duc
TS Trịnh Thục Hiền, Trường ĐH Kinh tế - Luật, phát biểu. Ảnh: THÀNH LÂN

Tuy nhiên, đầu tư theo phương thức PPP phải tuân thủ một quy trình phức tạp từ nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thiết kế và dự toán, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, triển khai dự án và chuyển giao.

Để có thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư, cơ sở giáo dục đại học phải có đội ngũ nhân sự với năng lực phù hợp không chỉ để thiết kế, quản lý và triển khai dự án mà còn để quản lý và thực hiện hợp đồng ký kết với đối tác tư nhân.

“Vì vậy, bổ sung và nâng cao năng lực đội ngũ quản lý và thực hiện dự án chính là thách thức lớn nhất” – TS Hiền nói.

Bà Hiền cũng cho rằng, thủ tục và quy trình đầu tư theo phương thức PPP là một rào cản vì đòi hỏi rất nhiều bước, cần nhiều thời gian và nguồn lực tài chính. Phương thức này cũng chưa được triển khai rộng rãi ở Việt Nam để có các mẫu thành công.

Đồng thời, việc lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP cũng như lựa chọn loại hình hợp đồng dự án cũng là một thách thức.

Theo TS Trịnh Thục Hiền, mức độ tham gia của khối tư nhân cũng như vai trò của cơ sở giáo dục ở giai đoạn vận hành kinh doanh là những yếu tố quyết định. Trong đó, không chỉ liên quan đến năng lực vận hành mà còn ở gánh nặng rủi ro tài chính.

Kiểm soát sai lệch, biến tướng khi thực hiện

Đồng tình với nhiều quan điểm của TS Trịnh Thục Hiền, TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, nhìn nhận việc xã hội hoá giáo dục được TP.HCM làm từ lâu nhưng cũng đã đặt ra nhiều vấn đề từ thực tiễn.

Theo TS Hiền, Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ chế ưu tiên cho TP.HCM, trong đó có quy định rõ nếu có vấn đề xung đột pháp lý giữa Nghị quyết 98 với các quy định hiện hành thì thực hiện theo Nghị quyết 98. Trường hợp quy định pháp luật có lợi hơn thì sẽ do TP.HCM quyết định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn diễn ra va đập, xung đột giữa luật này với luật kia, bộ, ngành này với bộ, ngành kia…

TP.HCM làm gì để không biến tướng, méo mó phương thức đầu tư PPP?-dau-tu-ppp-giao-duc
TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, phát biểu. Ảnh: THÀNH LÂN

TS Bùi Ngọc Hiền nhìn nhận cần phải thay đổi tư duy trong thực hiện đối tác công tư, từ tinh thần đến việc triển khai thực hiện. “Phải khác với cơ chế xin – cho, hợp thức hoá các tiêu cực, khác với thương mại hoá các hoạt động giáo dục. Cần cài đặt, hoá giải vấn đề này bằng những quy định cụ thể” – TS Hiền phân tích.

Bên cạnh đó, TS Hiền cho rằng cần xây dựng cơ chế quản trị các nguồn lực đủ thoáng vì “dù có tiền nhưng chi không phải dễ”. Đồng thời cần dự liệu, đưa ra quy định cụ thể để cảnh báo, tránh méo mó từ khóa “thí điểm”.

“Thí điểm có thể sai, nhưng không thể nói mạnh dạn sai là không đúng, thí điểm phải được và kiểm soát được, phải dự liệu được các vấn đề”” – TS Hiền nhấn mạnh và cũng phân tích thêm từ khoá “xã hội hoá” cũng dễ bị gây biến tướng, sai lệch. Do đó cần cài đặt cơ chế quy định rõ ràng việc này, kiểm soát sai lệch, vi phạm trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, TP.HCM cũng phải thay đổi cách tiếp cận, không phải bày ra hết lên là công khai. Khi xây dựng cơ chế phải đảm bảo độ mở, tính bền vững, cập nhật của việc thí điểm, thậm chí có thể dừng lại ngay nếu gặp vấn đề trên thực tiễn…

Đặt ra yêu cầu cấp bách cho đầu tàu TP.HCM

Theo PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị cùng với Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đã đặt ra cơ hội lớn để TP thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu cấp bách cho vai trò đầu tàu của TP.HCM phải nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống cơ chế thí điểm cho TP thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm