Ngày 9-11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Việt Nam hiện nay: Rào cản và giải pháp”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững VCCI cho hay, phương thức hợp tác công tư (PPP) là một hình thức hợp tác tiên tiến, đã giúp khắc phục được vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư của nhà nước.
Tuy nhiên, để PPP có thể vận hành thành công, đòi hỏi phải có một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch, công bằng, an toàn và một hệ thống khung khổ pháp lý vững chắc, phù hợp.
Ở nước ta, mặc dù, hệ thống khung pháp lý cho các dự án PPP đã bước đầu được hình thành, nhưng những quy định về PPP vẫn chồng chéo trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các Luật khác nhau.
Theo đó, một số vướng mắc cản trở hoạt động đầu tư PPP vào lĩnh vực hạ tầng được chỉ ra. Trước hết, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn; Năng lực và nguồn lực của cơ quan nhà nước còn hạn chế; Quy định hình thức hợp đồng O&M (Hợp đồng Kinh doanh - Quản lí) chưa rõ ràng… được coi là điểm nghẽn lớn nhất đối với việc thực hiện các dự án PPP trong vài năm qua và cả trong thời gian tới.
Kế đến, theo báo cáo, Luật PPP hiện nay thiếu các biện pháp chia sẻ rủi ro đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Đó là, Luật PPP thiếu các cơ chế chia sẻ rủi ro với các dự án PPP, thiếu chế tài đảm bảo các cam kết trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không điều chỉnh giá theo lộ trình trong hợp đồng, thiếu cam kết về phương án tổ chức giao thông, không áp dụng biện pháp bảo lãnh chi phí chuyển ngang trong các dự án điện.
Rào cản thứ ba là tiếp cận tín dụng khi chủ dự án PPP bị hạn chế về thế chấp quyền sử dụng đất; Các tổ chức tín dụng yêu cầu cao hơn về tài sản đảm bảo; hay khó huy động vốn vay nước ngoài do có rủi ro tỉ giá, nhất là các dự án điện.
Thứ tư là vấn đề giải quyết tranh chấp chưa phù hợp và chưa có cơ chế hiệu quả cho việc mua lại dự án.
PGS. TS. Dương Đăng Huệ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp) cho rằng, Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều quy định không cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng dự án trên thực tế.
Mặc dù có Luật PPP, hai Nghị định và một số Thông tư hướng dẫn nhưng nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư PPP đến nay vẫn 'ngoài vòng' pháp luật.
Theo đó, các quy định trong pháp luật PPP hiện hành chủ yếu chỉ liên quan đến hợp đồng BOT, còn các hợp đồng dự án khác như BTO, BOO,… ít được quan tâm điều chỉnh.
Báo cáo nêu rõ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, gồm: Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về PPP; quy định chi tiết hình thức hợp đồng O&M có thu phí nhượng quyền; pháp luật PPP cần mở rộng phạm vi chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư tư nhân; bốn, bãi bỏ giới hạn mức trần 50% đối với phần vốn góp nhà nước trong dự án PPP; xây dựng chính sách tài khoá hiệu quả cho các dự án PPP; hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp trong các dự án PPP,...