Theo dòng thời sự

Tăng 'vốn mồi' cho các dự án PPP: Phù hợp bối cảnh

(PLO)- Hợp tác công - tư” được Đại hội XIII của Đảng coi là một trong những đột phá chiến lược.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đột phá này có liên quan mật thiết đến một đột phá chiến lược khác là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông.

Thật ra đây là đúc kết của cả một giai đoạn triển khai các dự án hợp tác công - tư (PPP) về hạ tầng giao thông trước thời điểm năm 2021. PPP chính là một trong những động lực khiến nhiều công trình giao thông như cầu, đường, cao tốc… được hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quốc gia.

Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2021, nền kinh tế tăng trưởng khá, “sức khỏe” của doanh nghiệp tư nhân, nguồn lực xã hội còn mạnh, hành lang pháp lý mới khởi sự… thì thực hiện PPP dường như thuận lợi hơn. Không phải PPP không có những khiếm khuyết nhưng ít nhất PPP đã cùng với Nhà nước thực hiện những nhiệm vụ mà lẽ ra thuộc về Nhà nước 100%.

Giai đoạn này, nhất là năm qua, tuy kinh tế - xã hội có những dấu hiệu phục hồi sau dịch COVID-19 nhưng các chỉ số về kinh tế - xã hội quý I-2023 cho thấy một thực tại đáng suy nghĩ. Sức khỏe của nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng đang không như kỳ vọng. Bối cảnh này đòi hỏi những giải pháp căn cơ hơn để không chỉ thực hiện các dự án PPP, mà còn thiết kế nền tảng tăng trưởng cho giai đoạn sau này, như kinh nghiệm hai nhiệm kỳ X và XI.

Trong bối cảnh như vậy, việc Bộ KH&ĐT trình Chính phủ đề xuất Quốc hội (QH) tăng “vốn mồi”, tức tỉ lệ đầu tư công tại các dự án PPP, trong dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là phù hợp.

Bởi như đã nói, kinh tế - xã hội và khối tư nhân hiện đang cần thời gian để phục hồi thực sự như trước giai đoạn dịch COVID-19. Điều ấy cũng có nghĩa là sự tham gia của tư nhân nói riêng, xã hội nói chung vào xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hay tham gia vào một số công trình trọng điểm quốc gia là ít khả thi hơn trước đây. Nếu chúng ta đi bằng hai chân “Nhà nước - xã hội” thì sự bù đắp năng lực đầu tư giữa hai chủ thể này theo bối cảnh là điều hợp lý.

Còn bởi vì mấy kỳ họp QH gần đây, từ lãnh đạo QH đến Chính phủ đều nêu ra thực tế là “có tiền mà không tiêu được” thì việc tăng “vốn mồi” cũng là một giải pháp… tiêu tiền hợp với thực tiễn.

Biết rằng một đồng ngân sách, một hào đầu tư công… không thể không chặt chẽ. Nhưng QH đã từng ra một nghị quyết cho phép Chính phủ áp dụng cả các biện pháp luật chưa quy định để chống dịch COVID-19 thì QH cũng có thể cho phép Chính phủ sử dụng những đồng tiền “không tiêu được” để sinh lời cho tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm