Tăng “vốn mồi” lên 65% để đẩy nhanh dự án PPP giao thông

(PLO)- Theo quy định của Luật PPP, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP ("vốn mồi") không quá 50% tổng mức đầu tư dự án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông. Dự thảo đã quy định nhiều chính sách quan trọng, giúp khơi thông điểm nghẽn đối với các dự án giao thông, nhất là các tuyến giao thông liên vùng như quốc lộ, cao tốc, vành đai…

“Vốn mồi” thấp khó làm dự án PPP

Theo quy định tại Điều 69 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP không được vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Ngân sách này dùng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án, chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm.

Theo quy hoạch, dự án đường vành đai 4 có tổng chiều dài gần 200 km, có điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, TP.HCM.

Đây là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực phía Nam, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm TP.HCM. Dự án này đang nằm trong giai đoạn nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư.

Dự án đường vành đai 4 đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài 45 km. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ giao mời gọi đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông theo phương thức PPP, trong đó có dự án đường này.

Vào tháng 5-2022, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận giao Công ty CP Tập đoàn MIK Group lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP này. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, một trong những vướng mắc lớn hiện nay là đối với phần vốn nhà nước tham gia trong dự án để tính toán phương án tài chính, đảm bảo tính khả thi cho dự án.

Theo tính toán của tỉnh này, vốn nhà nước tham gia trong dự án phải lên tới 65% tổng mức đầu tư thì mới đảm bảo tính khả thi. Vượt xa mức 50% theo quy định của Luật PPP.

Cũng dự án này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang lập thủ tục để đầu tư dự án cho 18,17 km đi qua địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đề xuất quy mô thực hiện giai đoạn 1. Cụ thể là tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích thu hồi khoảng 146,8 ha. Sau đó đầu tư bốn làn xe cao tốc 27 m và đường gom/đường song hành tại các vị trí có dân cư.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 tỉnh này ước tính khoảng 7.772 tỉ đồng, chưa bao gồm lãi vay. Trong đó, phần vốn của nhà đầu tư là 4.953 tỉ đồng (chiếm 63,7% tổng mức đầu tư). Vốn nhà nước tham gia là 2.819 tỉ đồng (chiếm 36,3%) để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Tuy nhiên, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đang tính theo bảng giá đất của Nhà nước. Khi triển khai thực hiện dự án, áp dụng theo giá đất cụ thể (giá thị trường) thì chi phí này sẽ tăng lên. Trường hợp tăng hơn 50% thì sẽ trái với quy định của Luật PPP” - lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân tích.

Tỉnh này cho biết thêm để “gò” tỉ lệ không quá 50% theo quy định của Luật PPP thì phải tăng vốn của nhà đầu tư, làm thời gian thu hồi vốn dài, thiếu hấp dẫn nhà đầu tư trong triển khai các dự án PPP.

Tại TP.HCM, dự án đường vành đai 4 cũng vừa được UBND TP đưa vào danh mục 34 dự án trọng điểm của năm 2023. Theo Sở GTVT TP, dự án đi qua địa bàn TP có chiều dài 17 km, hiện nay dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư.

Mới đây, Sở GTVT đã đề xuất ba phương án nắn tuyến đường này khi qua địa bàn TP, giúp giảm chi phí đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng và gần 700 hộ dân không phải di dời, giải tỏa. Theo Sở GTVT, việc tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án này hơn 50% thì mới thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đường Nguyễn Thị Rành (huyện Củ Chi) nằm trong phương án nắn tuyến đường vành đai 4 để giảm chi phí đầu tư và giải phóng mặt bằng. Ảnh: NN

Đường Nguyễn Thị Rành (huyện Củ Chi) nằm trong phương án nắn tuyến đường vành đai 4 để giảm chi phí đầu tư và giải phóng mặt bằng. Ảnh: NN

Thí điểm nâng “vốn mồi” lên 65% trong các dự án PPP

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, trong văn bản gửi Chính phủ cuối tháng 3, Bộ KH&ĐT đã đưa ra ba chính sách thí điểm.

Trong đó, chính sách thứ nhất là về vốn nhà nước tham gia dự án PPP. Bộ KH&ĐT nêu ra hai phương án: Phương án 1 là điều chỉnh tỉ lệ vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP lên 65% (thay vì không quá 50% như hiện nay). Nếu vượt quá mức này thì chuyển sang hình thức đầu tư công để không làm mất đi bản chất PPP.

Bộ KH&ĐT khảo sát tại ba dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia cũng đều trên 50% tổng mức đầu tư. Cụ thể, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt (60,6%), Nha Trang - Cam Lâm (66,4%), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (68%). Tại dự án đường vành đai 4 Hà Nội, tỉ lệ này cũng chiếm 66%.

Dự thảo quy định: Trừ dự án quan trọng được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án còn lại trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, có yếu tố quốc phòng, an ninh được xem xét, quyết định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 65% tổng mức đầu tư dự án cho điểm a và điểm c khoản 1 Điều 69 Luật PPP.

Ba chính sách tại dự thảo nghị quyết

+ Chính sách thứ nhất: Điều chỉnh tỉ lệ vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP lên 65%.

+ Chính sách thứ hai: Giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản để đầu tư cao tốc, quốc lộ đi qua địa phương mình. Theo Bộ KH&ĐT, chính sách này dựa trên đề xuất của nhiều tỉnh, thành xin được giao đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết bức xúc về hạ tầng giao thông tại địa phương.

+ Chính sách thứ ba: Giao cho một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án liên kết vùng qua địa bàn hai tỉnh và hỗ trợ vốn cho địa phương khác.

Phương án 2 là không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong tỉ lệ 50%. Theo phương án này thì vẫn giữ mức “vốn mồi” không quá 50% như quy định hiện hành. Tuy nhiên, sẽ không tính chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào tỉ lệ này.

Theo Bộ KH&ĐT, thực tế khi nghiên cứu một số dự án thì chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư thường chiếm trung bình khoảng 10% tổng mức đầu tư. Một số địa phương có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều như Hà Nội, TP.HCM thì tỉ lệ này khoảng 22%-56%.

Chẳng hạn, dự kiến kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án đường vành đai 4 TP.HCM qua Bình dương là 42,2%, qua Long An là 43%, qua TP.HCM là gần 50%, qua Đồng Nai là 56,6%.

“Do đó, nếu tách chi phí giải phóng mặt bằng không tính vào phần tham gia của Nhà nước thì phần tham gia của Nhà nước còn lại (như chi phí hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP) sẽ có thể không vượt quá 50%” - Bộ KH&ĐT nêu.•

TP.HCM đề xuất tăng “vốn mồi” lên không quá 70%

Ngày 23-3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã ký văn bản góp ý dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Theo UBND TP, dự thảo nghị quyết cho phép tăng “vốn mồi” lên 65% để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hai loại dự án PPP: Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn; dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỉ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án.

Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chỉ đề cập đến việc tăng tỉ lệ vốn cho các dự án PPP trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, có yếu tố an ninh, quốc phòng. “Như vậy, các địa phương vùng đồng bằng có kinh tế phát triển, mật độ dân cư đông đúc và có chi phí giải phóng mặt bằng cao (có dự án chi phí này vượt quá 50% tổng mức đầu tư) không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại dự thảo, dẫn đến chưa giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc của dự án PPP giao thông” - UBND TP đánh giá.

Tại văn bản góp ý, TP.HCM đề xuất tăng “vốn mồi” từ không quá 50% theo quy định hiện hành lên không quá 70% trong các dự án PPP giao thông. Đề xuất này được áp dụng cho hai trường hợp: Thứ nhất là dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, có yếu tố an ninh, quốc phòng.

Thứ hai là dự án có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không khả thi, khó thu hút nhà đầu tư tham gia.

Lý giải về đề xuất mức tăng này, UBND TP cho rằng do các dự án đầu tư đường bộ được đầu tư đối với các tuyến đường đi qua khu vực đô thị có mật độ xây dựng cao, có khối lượng chi phí giải phóng mặt bằng lớn. Đa số chi phí này được xác định chiếm tỉ trọng trên 60% tổng mức đầu tư dự án.

“Việc đề xuất tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% để tăng hiệu quả đầu tư dự án, thu hút nhà đầu tư tham gia, giảm mức chi trả của người dân và đảm bảo tính khả thi thực hiện chính sách” - UBND TP nhận định.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đề xuất cho phép việc tách riêng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và công tác xây lắp của dự án thành các dự án thành phần độc lập. Trong đó, dự án thành phần xây lắp thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.

Theo UBND TP, quy định của Luật Đầu tư công 2019 chỉ quy định tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định. Dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền, không có trường hợp dự án nhóm B, C.

Trong khi đó, đối với các dự án trong lĩnh vực giao thông bao gồm: Cầu, cảng biển, cảng sông, sân bay, đường sắt, quốc lộ thì tổng mức đầu tư dự án nhóm B có thể lên đến mức dưới 2.300 tỉ đồng và dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông khác là 1.500 tỉ đồng.

Như vậy, có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư thuộc nhóm B sẽ không được phép tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Đặc thù của dự án trong lĩnh vực giao thông đường bộ là đầu tư công trình theo tuyến, có khối lượng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng nhiều nên cần thiết phải được tách thành dự án riêng để triển khai thực hiện trước. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ chung của dự án” - UBND TP nêu. V.HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm