Ngày 1-11, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy sau khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chất vấn Tổng KTNN Hồ Đức Phớc.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.
“Năm 2018, KTNN đã ban hành 269 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỉ đồng nhưng chỉ chuyển bốn vụ sang cơ quan điều tra. Đề nghị Tổng KTNN cho biết có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công không? Dư luận cho rằng có hiện tượng móc ngoặc chia nhau tiền vi phạm để khỏi bị chuyển cơ quan điều tra. Quan điểm của Tổng KTNN về dư luận trên như thế nào? Tổng KTNN có cam kết gì trước Quốc hội và cử tri cả nước?” - ĐB Thúy chất vấn.
Trả lời, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay năm 2017 KTNN đã chuyển cho cơ quan điều tra bốn vụ và chuyển 12 bộ hồ sơ cho các cơ quan quản lý khác để xử lý theo pháp luật.
Đối với KTNN, theo luật, sẽ thực hiện ba loại hình kiểm toán là kiểm toán báo cáo tài chính để xác nhận các thông tin kinh tế và xác nhận báo cáo tài chính và kiểm toán việc tuân thủ pháp luật để xác nhận và đánh giá việc vi phạm pháp luật.
“Kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả, hiệu lực và tính kinh tế cũng như trách nhiệm kinh tế của người quản lý tài chính công và tài sản công. Trên cơ sở hồ sơ kiểm toán mà các đơn vị kiểm toán cung cấp và KTNN không có chức năng điều tra” - Tổng KTNN Hồ Đức Phớc giải thích.
Ông cũng cho hay KTNN đã có nhiều kiến nghị để bịt lỗ hổng chính sách. “Chẳng hạn như bịt lỗ hổng ở BOT, trong cơ chế BT, trong đất đai, trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, trong vấn đề chính sách ở các khu kinh tế, trong chính sách thuế cũng như việc quản lý tài chính công, tài sản công” - ông nói.
Dành ít phút nói về thành tích của ngành, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay năm 2017 KTNN kiến nghị xử lý tài chính 91.000 tỉ đồng, trong đó thu ngân sách 38,450 tỉ đồng, đến nay đã thu được 78,2%. KTNN cũng kiến nghị sửa đổi 150 văn bản để bịt các lỗ hổng, khe hở, tránh thất thoát tài chính công, tài sản công.
Ông cũng nhắc tới các biện pháp trong nội bộ ngành như nhật ký online, thực hiện kiểm soát đột xuất, thanh tra đột xuất, chấm điểm, bình bầu trong các tổ kiểm toán. “Mỗi khi có được một thông tin về vấn đề kiểm toán viên vi phạm thì tổ chức kiểm tra ngay. Nếu không phát hiện được dấu hiệu tiêu cực nhưng phát hiện sai quy trình cũng đình chỉ việc kiểm toán” - Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết.
Ông Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và ĐB Quốc hội giúp cho ngành KTNN quản lý về kiểm toán viên và cam kết nếu có thông tin về vấn đề tiêu cực của kiểm toán viên sẽ tổ chức xử lý và công khai đến ĐB.