Theo bà P., vào ngày 31-7-2018, ông T. ngang nhiên qua nhà bà đập phá tài sản gồm một miếng đan trị giá 200.000 đồng, một chiếc xuồng trị giá lúc mua 1,2 triệu đồng, bảy khối nước đá trị giá 70.000 đồng… Ngoài ra, ông T. còn hạ lưới cước chuồng gà của bà khiến bà bị mất chín con gà trống và 18 con gà mái đẻ, trị giá 7,2 triệu đồng… Tuy nhiên, bà P. chỉ yêu cầu ông T. bồi thường tổng cộng 7,4 triệu đồng.
Bị đơn là ông T. trình bày: Ông và bà P. đang tranh chấp quyền sử dụng đất với nhau, vụ việc đã được TAND huyện Tam Nông giải quyết xong, ông đã kháng cáo lên TAND tỉnh để được xét xử phúc thẩm. Vụ việc đang được TAND tỉnh xem xét nhưng bà P. ngang nhiên đổ miếng đan, đem lưới cước bao quanh chuồng heo của ông và đem xuồng của bà P. qua để trên đất tranh chấp.
Ngày 31-7-2018, cán bộ TAND tỉnh đến phần đất tranh chấp để khảo sát và đo đạc lại nên ông có đập phá miếng đan, kéo cước của bà P. bao quanh chuồng heo nhà ông và kéo chiếc xuồng của bà P. về bên đất bà P., ông không gỡ lưới cước chuồng gà của bà P. như bà P. trình bày. Vì vậy, ông không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bà P.
HĐXX TAND huyện Tam Nông nhận định: Bà P. cho rằng ông T. đập miến đan và hạ lưới cước chuồng gà làm cho gà của bà đi mất, thiệt hại tổng số tiền 7,4 triệu đồng nhưng bà không có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của bà. Việc bà nuôi gà là có thật nhưng số lượng gà bao nhiêu không ai biết; ông T. hạ lưới cước của bà bao xung quanh chuồng heo ông T., gà của bà có đi mất hay không và mất bao nhiêu con cũng không ai chứng kiến… Hơn nữa, ông T. không thừa nhận, ông chỉ thừa nhận có đập miếng đan của bà và ông đồng ý bồi thường giá trị như bà trình bày. Tại tòa, bà P. cũng không cung cấp được chứng cứ gì khác.
Từ đó HĐXX đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của bà P., buộc ông T. phải bồi thường 200.000 đồng đối với trị giá của miếng đan. Ngoài ra, tòa tuyên bà P. phải chịu 360.000 đồng án phí sơ thẩm; ông T. phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm.