Theo báo cáo của Liên đoàn Luật sư (LĐLS), trong nhiệm kỳ 1, LĐLS đã nhận được 141 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư và giải quyết kịp thời, hiệu quả. Những đơn này phản ánh việc luật sư bị cơ quan tố tụng cản trở như ngăn cản không cho gặp bị can, bị cáo; từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa vì những lý do không đúng luật. Một số luật sư còn bị kẻ xấu hành hung, gây thương tích nặng. LĐLS đã đề nghị và phối hợp với Bộ Công an, VKSND Tối cao để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và sự an toàn của luật sư.
Vẫn câu chuyện luật sư bị làm khó
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Bông (Đoàn Luật sư TP.HCM) vẫn đề nghị LĐLS phải tiếp tục “đấu tranh với cơ quan điều tra (CQĐT)” để luật sư được thực hiện vai trò của mình trong hoạt động tố tụng. Bởi theo luật sư Bông, “thực tế hiện nay CQĐT không thích cho luật sư tham gia vụ án ngay từ đầu”.
Chia sẻ, luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kể bản thân ông từng ba lần bị CQĐT từ chối không cho tham gia vụ án hình sự với một lý do giống nhau là bị can từ chối, không muốn mời luật sư. Nhưng sự thực không phải như vậy bởi sau đó bị can vẫn mời luật sư khi có cơ hội.
Từ đó, luật sư Tám đề nghị LĐLS phải đấu tranh cho quyền lợi của luật sư ngay từ khâu xây dựng pháp luật, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi mà LĐLS đang cùng với các cơ quan khác xây dựng dự án BLTTHS (sửa đổi). “Ngoài ra, với số lượng 9.436 luật sư trên toàn quốc thì hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận bào chữa cho các vụ án hình sự. Vì vậy tôi đề nghị LĐLS có tiếng nói can thiệp để bị can, bị cáo có thể mời bất cứ luật sư nào bảo vệ cho mình” - luật sư Tám nói.
Đại hội Liên đoàn Luật sư Việt Nam lần thứ hai. Ảnh: C.LUẬN
Kiến nghị bỏ thủ tục chứng nhận người bào chữa
“Thực tiễn hiện nay luật sư vẫn chưa được xã hội đánh giá cao, tính chính trị đặc thù của LĐLS cũng chưa được nhìn nhận đúng” - Chủ nhiệm LĐLS Lê Thúc Anh nhận xét.
Ông Lê Thúc Anh cho biết LĐLS sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền để bỏ cơ chế “xin-cho” trong tố tụng, cụ thể với giới luật sư là bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Cạnh đó, Liên đoàn sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan tố tụng phải tôn trọng quyền thu thập chứng cứ, quyền yêu cầu giám định của luật sư cũng như kiến nghị về quyền im lặng của bị can, bị cáo cho đến khi có luật sư.
Ngoài ra, LĐLS sẽ kiến nghị hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự, tạo sự bình đẳng giữa luật sư với kiểm sát viên, nâng cao hơn nữa địa vị pháp lý của luật sư trong các quan hệ tố tụng để góp phần tích cực hơn nữa việc bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền công dân, quyền con người... Kiến nghị đổi mới và hoàn thiện các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử theo hướng đảm bảo quyền lực tư pháp một cách nghiêm minh, khách quan và ngăn ngừa, kiểm soát việc lạm quyền, vi phạm pháp luật của cá nhân trong các cơ quan trên.
37.827 vụ trợ giúp pháp lý miễn phí Theo Phó Chủ tịch LĐLS Nguyễn Văn Thảo, hiện 63 tỉnh, thành trong cả nước đều đã có đoàn luật sư. Tính đến hết tháng 3-2015, số lượng luật sư của Liên đoàn là 9.436 (trong đó có 65% luật sư nam, 35% luật sư nữ). Số lượng luật sư chủ yếu vẫn tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Nhiều đoàn luật sư ở vùng sâu, vùng xa có số lượng luật sư rất ít… Từ tháng 5-2009 đến tháng 3-2015, các luật sư đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý khác cho các cá nhân, tổ chức trong 77.129 vụ án hình sự (34.635 vụ khách hàng mời, 42.949 vụ theo yêu cầu của cơ quan tố tụng); 65.263 vụ án dân sự; 5.486 vụ án kinh tế; 5.575 vụ án hành chính và hàng chục ngàn dịch vụ hỗ trợ pháp lý khác. Đặc biệt, số vụ việc luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí đạt 37.827 vụ. Trong nhiệm kỳ 1, LĐLS đã thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức luật sư của các nước Mỹ, Canada, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Nhật, Trung Quốc, Lào, Campuchia… Đồng thời, Liên đoàn cũng tham gia Hiệp hội Luật châu Á-Thái Bình Dương và chuẩn bị gia nhập Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA). |