“Với nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác thực hiện kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) hằng năm nên rất khó để hoàn thành công tác này trước ngày 31-12 của năm trước để làm cơ sở thực hiện cho năm sau” - ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết tại buổi giám sát của Ban đô thị, HĐND TP về việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP.
Các quận, huyện gặp khó
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP, kế hoạch SDĐ hằng năm tại các quận, huyện năm nào cũng chậm trễ. Theo quy định, kế hoạch SDĐ cấp huyện của năm nay thì sẽ phải được duyệt vào ngày 31-12 của năm trước. Tuy nhiên, đa phần kế hoạch SDĐ của các quận, huyện và TP Thủ Đức được duyệt vào quý II, quý III hằng năm. Thậm chí, đến thời điểm này là quý IV, sắp hết năm nhưng kế hoạch SDĐ vẫn chưa được duyệt.
Ông Kha Văn Phước, Trưởng phòng TN&MT huyện Cần Giờ, cho biết riêng khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch SDĐ, niêm yết công khai đã hơn hai tháng. Tổng hợp nhu cầu SDĐ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải kéo dài cả tháng. Có khi kéo dài cả tháng chưa xong vì khi thông báo đến hộ gia đình, cá nhân không phải ai cũng ở nhà để tiếp nhận thông tin.
Theo ông Phước, cái khó nữa của huyện Cần Giờ là phải chờ các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách của huyện được cấp vốn thì mới đưa được vào kế hoạch SDĐ. “Đây là các dự án trọng điểm, cấp bách không thể không chờ. Vì nếu không đưa vào kế hoạch SDĐ hằng năm, khi có vốn thì không thể giao đất” - ông Phước nói.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, giải trình tại cuộc họp. Ảnh: VH |
Thêm vào đó, quá trình lập kế hoạch SDĐ phải thông qua hội đồng thẩm định gồm hơn 10 sở, ngành. Khi chờ các đơn vị này có ý kiến bằng văn bản cũng phải cả tháng trời. Sau khi chuyển kế hoạch SDĐ lên Sở TN&MT, sở này phải thẩm định, yêu cầu quận, huyện bổ sung, chỉnh sửa. Sau khi hoàn thiện mới trình TP xem xét thông qua.
Ông Phước cho biết huyện Cần Giờ thường đến tháng 11 là bắt đầu lập kế hoạch SDĐ, trình Sở TN&MT chậm nhất là tháng 2. “Với nhiều bất cập như hiện nay thì không quận, huyện nào có thể hoàn thành trước ngày 31-12 hằng năm” - ông Phước nói.
Ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cũng cho rằng địa phương này cũng gặp phải những vấn đề tương tự như huyện Cần Giờ. Vì vậy, việc hoàn thành kế hoạch SDĐ cuối năm trước để thực hiện trong năm sau là không thể.
Vì sao chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất
Giải trình về việc chậm phê duyệt kế hoạch SDĐ, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết hiện nay công tác này chậm chủ yếu là do ba khâu.
Thứ nhất là khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch SDĐ. Ở khâu này liên quan đến tài chính nhưng nhiều khi đơn vị thực hiện lại không có chuyên môn, trong khi đó thông tư quy định về nội dung này lại thay đổi liên tục. Mới đây nhất là Thông tư 11/2022 vừa được ban hành để thay thế Thông tư 136 trước đó.
“Ngay ở khâu đầu tiên là quận, huyện đã bế tắc rồi, nhiều khi lựa chọn hoài chưa chọn được đơn vị tư vấn chứ chưa nói đến phải hoàn thiện kế hoạch SDĐ để chuyển lên sở. Đây là khâu quận, huyện thường bị chậm nhất và TP cũng phải chờ các quận, huyện” - ông Thắng nói.
Khâu thứ hai khi đã chọn được đơn vị tư vấn rồi, nhiều địa phương phải thông qua ban thường vụ hoặc thông qua HĐND vì đối với các địa phương, kế hoạch SDĐ hằng năm là cơ sở rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, theo ông Thắng, việc chuyển qua ban thường vụ hay qua HĐND không có trong quy trình, thủ tục.
Khâu thứ ba theo ông Thắng là quá trình duyệt các dự án thì quận, huyện muốn chờ một số dự án được cấp vốn để đưa vào kế hoạch SDĐ. Vì nếu đưa dự án ra khỏi kế hoạch SDĐ mà sau đó dự án được ghi vốn thì không có cơ sở để triển khai. Bởi theo quy định của Luật Đất đai, một trong những điều kiện để thực hiện dự án là phải có trong kế hoạch SDĐ hằng năm được duyệt.
Ông Thắng cho rằng với những bất cập, vướng mắc như hiện nay thì rất khó để phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm trước ngày 31-12. Theo ông Thắng, TP.HCM cũng đã từng kiến nghị Bộ TN&MT bỏ việc lập kế hoạch SDĐ hằng năm.
Lý do là hiện nay TP đã có kế hoạch SDĐ năm năm được duyệt, có quy hoạch SDĐ kỳ 10 năm và có quy hoạch xây dựng đô thị. Vì vậy, ông Thắng cho rằng lập kế hoạch SDĐ rất có thể là mang tính hình thức. Trong khi đó, cả TP, sở, ngành và địa phương hằng năm đều phải lo tập trung để lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch SDĐ. Vừa làm xong kế hoạch SDĐ của năm nay đã chuẩn bị để lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch SDĐ của năm sau, rất mất thời gian và lãng phí.
Ông Thắng cho biết Sở TN&MT đã kiến nghị Bộ TN&MT đưa nội dung này vào chương trình sửa đổi Luật Đất đai sắp tới.•
Đề xuất hủy bỏ 302 dự án treo tại TP.HCM
Theo Sở TN&MT, từ năm 2016 đến năm 2020 có 1.445 dự án được HĐND TP ban hành nghị quyết thông qua công tác thu hồi đất, chuyển đổi mục đích SDĐ. Trong số này, 302 dự án đang được rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết vì quá ba năm đăng ký kế hoạch SDĐ nhưng chưa triển khai (chiếm 21%); 741 dự án đang triển khai (51%) và 402 dự án đã hoàn thành (28%).
Các dự án chậm triển khai do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để thực hiện bồi thường và thực hiện dự án; công tác bồi thường còn nhiều khó khăn về phương án, giá…
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết sở phối hợp với các địa phương rà soát kịp thời để trình cấp thẩm quyền điều chỉnh hủy bỏ các dự án quá ba năm chưa thực hiện ra khỏi các nghị quyết trước đây, để đảm bảo quyền lợi cho người dân có nhà, đất bị ảnh hưởng bởi dự án.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có tiêu chí phân loại dự án nào được chuyển tiếp, dự án nào phải điều chỉnh, hủy bỏ. Thêm vào đó, dự án đưa ra khỏi kế hoạch SDĐ nhưng quy hoạch không được điều chỉnh thì quyền lợi của người dân vẫn bị ảnh hưởng.