Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM) đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: Như Hùng |
Thực trạng giới trẻ nói chung và học sinh trong các nhà trường phổ thông “nói không” với sách, ngoài sách giáo khoa, đã được lãnh đạo Bộ GD&ĐT thừa nhận và xem là vấn đề cần phải có giải pháp thay đổi.
Thờ ơ với sách, chuyện không mới
0,8 cuốn sách/năm là số liệu về người Việt đọc sách được Bộ VH-TT&DL đưa ra vào tháng 4-2013.
Trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện - Bộ VH-TT&DL, một số liệu được đưa ra cũng rất đáng suy nghĩ: tỉ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên đọc chiếm áp đảo tới 44%, còn đọc thường xuyên là 30%.
Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm 8%-10% dân số. Thư viện Quốc gia Việt Nam có khoảng 50.000 bạn đọc thường xuyên, thư viện cấp tỉnh chỉ có 1.000-2.000 bạn đọc, cấp huyện 500-600 bạn đọc, thư viện/phòng đọc cấp xã 100-200 bạn đọc.
Kết quả thống kê của ông Nguyễn Quang Thạch, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng (qua hành trình đi bộ Hà Nội - Sài Gòn tăng tốc chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam), khi phỏng vấn trên 3.000 người 6-80 tuổi (chủ yếu độ tuổi 10-40) cho thấy 90% người chưa từng mượn sách ở thư viện nhà trường, hoặc nhà trường không cho mượn sách về nhà đọc.
Tại hội thảo, ông Phạm Sỹ Bỉnh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Bộ GD&ĐT nhận định: “Đa số bạn trẻ ngày nay thờ ơ với văn hóa đọc. Đặc biệt, thế hệ trẻ bị hình thức nghe nhìn lôi cuốn nhiều hơn hình thức đọc.
Trong nhiều năm qua, học sinh nông thôn hầu như không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa do một số nguyên nhân: thu nhập gia đình thấp và cha mẹ không có thói quen đọc sách; sức ép do phải học tập quá nhiều; không có các hiệu sách đến cấp xã; hệ thống thư viện nhà trường và điểm bưu điện văn hóa xã yếu kém, hầu hết học sinh không được mượn sách từ thư viện nhà trường đem về nhà; chương trình giáo dục chưa kích thích học sinh tìm kiếm tri thức ngoài sách giáo khoa...”.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cũng nhận xét: “Hạn chế của học sinh hiện nay là thiếu kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn, thiếu kỹ năng sống và làm việc theo nhóm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế đó, trong đó có nguyên nhân học sinh ít có thói quen thường xuyên đọc sách”.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: sức ép do thời gian học tập chính khóa, ngoại khóa nhiều; cơ sở vật chất thư viện chật hẹp, sách, tài liệu nghèo nàn; cán bộ thư viện kiêm nhiệm nhiều việc, ít có thời gian giao tiếp với học sinh; cách thức quản lý, chỉ đạo hoạt động của thư viện lạc hậu; phong trào đọc sách trong cộng đồng nói chung và trong nhà trường nói riêng chưa được hình thành, không được sự khuyến khích của giáo viên và phụ huynh; nhu cầu hỗ trợ của việc đọc cho học tập chính khóa không có; yêu cầu về kiểm tra đánh giá chưa khuyến khích học sinh phải đọc thêm nhiều tài liệu để có kết quả tốt” - ông Hiển thẳng thắn phân tích.
Đọc sách - nhiệm vụ bắt buộc cho học sinh
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đều cho rằng để hình thành thói quen, nhen nhóm đam mê đọc sách cho giới trẻ, không có nơi nào hiệu quả hơn các nhà trường. “Thay vào việc học sinh đến trường chỉ để nghe giảng, ghi chép kiến thức, chạy theo áp lực kiểm tra, thi cử thì cần dành thời gian, không gian cho học sinh được đọc sách, trao đổi về sách trong trường” - một ý kiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Thạch đã nêu một sáng kiến ở Thái Bình khi gầy dựng Tủ sách phụ huynh từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh.
Cùng với việc xây dựng tủ sách này, các nhà trường còn dành thời gian để học sinh giới thiệu sách vào tiết học đầu tuần, bố trí giờ để đọc sách trong các lớp, tổ chức cho học sinh viết cảm tưởng, suy nghĩ về cuốn sách đã đọc... Đây là những giải pháp đầu tiên để khơi dậy thói quen đọc sách cho học sinh.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục Quỳnh Phụ, Thái Bình - một điểm sáng trong việc khuyến khích thói quen đọc sách trong nhà trường, phòng đã chỉ đạo các trường biến thư viện thành nơi giao lưu của học sinh, các lớp học tự bầu thủ thư để quản lý tủ sách của lớp, học sinh tự tổ chức các giờ đọc sách của chính mình. “Đọc sách là một trong những yếu tố thúc đẩy năng lực tự học của học sinh rất tốt” - vị lãnh đạo này nhận xét.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng ở mỗi cấp học, ngoài việc tạo môi trường đọc sách cho học sinh, các trường cần tư vấn, hướng dẫn học sinh hình thành các kỹ năng đọc sách phù hợp với mỗi đối tượng học sinh. Ví dụ học sinh các bậc học cao hơn phải được rèn luyện kỹ năng chọn sách, sàng lọc kiến thức cần thiết, bổ ích... Kỹ năng này càng cần thiết khi học sinh học đến THPT và ĐH-CĐ.
“Cần biên soạn bộ sách hướng dẫn chuẩn, giúp học sinh từng lứa tuổi có thể chọn sách, đọc sách hiệu quả” - bà Minh gợi ý.
Một số ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo chính thống để các nhà trường chủ động sắp xếp giờ đọc sách cho học sinh, kiên quyết trong các giải pháp nhằm thúc đẩy việc học sinh đọc sách như một nhiệm vụ bắt buộc.
Thư viện trường học... để phủ bụi! Hiện nay cả nước có 27.541 trường học, trong đó 24.746 trường có thư viện, chiếm tỉ lệ 89,9%. Số thư viện đạt chuẩn chiếm 49,3%. Tuy nhiên, số thư viện hoạt động hiệu quả không nhiều. TS Nguyễn Thụy Anh, người sáng lập CLB Đọc sách cùng con, buồn bã nói: “Rất nhiều thư viện ở trường học bị khóa lại hoặc phủ bụi hay sử dụng không đúng chức năng, không hết công suất. Trẻ em chủ yếu vẫn quan tâm đến truyện tranh, ngại ngần với truyện chữ. Trẻ sợ văn trong nhà trường vì ít đọc, vốn từ nghèo nàn, cảm xúc khô cứng”. Theo bà Phạm Thị Thành Tâm - Trường ĐH Văn hóa, tổng số cán bộ làm việc trong các thư viện trường học của Việt Nam hiện nay là gần 22.000 người, trong đó có 4.718 cán bộ chuyên trách, chiếm 22%; 78% còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Mỗi thư viện trường học thường chỉ có một cán bộ. Về chất lượng, trình độ cán bộ thư viện còn thấp, nhiều cán bộ chưa được đào tạo cơ bản, chỉ một số ít người có trình độ đại học và trung cấp. Cán bộ thư viện trong các nhà trường chỉ được xem như “nhân viên giữ chìa khóa phòng đọc sách”. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần khắc phục những bất cập trong cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ cán bộ thư viện, nên coi họ “như một người thầy trong mỗi nhà trường”, có vai trò tư vấn, hướng dẫn học sinh chọn sách, đọc sách, khích lệ đam mê đọc sách của học sinh. |