Kiến nghị giảm thời gian thu phí tuyến An Hữu – Cao Lãnh

Ngày 17-5, trao đổi với PLO ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh vừa có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Cụ thể tỉnh Đồng Tháp và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã trao đổi các thông tin liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ An – Cao Lãnh và dự án tuyến đường An Hữu – Cao Lãnh.

Đối với tuyến Mỹ An – Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp thống nhất với chủ trương đầu tư bằng vốn vay ODA đã được Thủ tướng phê duyệt.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ An – Cao Lãnh có điểm đầu kết nối với tuyến N2 (Km 96+875), điểm cuối tiếp giáp với điểm đầu của dự án cầu Cao Lãnh. Chiều dài khoảng 26 km. Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng.

Bản đồ hướng tuyến kèm trong văn bản đề xuất của Bộ GTVT.

Còn tuyến An Hữu - Cao Lãnh, tỉnh cũng đang góp ý với Bộ các nội dung dự án để trình Chính phủ cho chủ trương đầu tư dự án vào giai đoạn trung hạn 2021-2025.

Ông Quang cũng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, địa phương sẽ lo công tác giải phóng mặt bằng, vốn Trung ương đối ứng một phần, còn một phần kêu gọi đầu tư xã hội hóa hình thức PPP, tỉnh cũng cơ bản thống nhất.

"Tuy nhiên tỉnh có góp ý điều chỉnh hướng tuyến phù hợp, thẳng tuyến. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có kiến nghị Ban quản lý Mỹ Thuận rà soát xem xét cân đối tính thời gian thu phí giảm xuống còn 15-17 năm thay vì phương án thu phí đề ra là 22 năm”- ông Quang thông tin.

Theo đó, tuyến đường An Hữu – Cao Lãnh, có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung, kết nối với đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè (Tiền Giang). Điểm cuối kết nối với tuyến Mỹ An – Cao Lãnh, tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tổng chiều dài khoảng 28 km. Tổng mức đầu tư dự kiến 5.700 tỉ đồng.

Theo ông Quang, đây là hai dự án rất cần thiết, quan trọng không chỉ tỉnh Đồng Tháp mà cho cả khu vực ĐBSCL. Hiện tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Vàm Cống, Cao Lãnh đã đưa vào khai thác sử dụng, tuy nhiên tại nút An Bình đi ra quốc lộ 1 để kết nối cao tốc TP.HCM – Trung Lương vẫn còn rất khó khăn.

Do vậy, tuyến An Hữu – Cao Lãnh khi hình thành sẽ kết nối tuyến cao tốc Đông – Tây, thuận tiện cho việc lưu thông đến TP.HCM.

"Còn tuyến Mỹ An – Cao Lãnh là tuyến thành phần dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nhưng hiện trạng giao thông tuyến rất nhỏ hẹp, bám theo đường tỉnh. Tuyến Mỹ An – Cao Lãnh hình thành sẽ phát huy hiệu quả dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía tây"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới