Kiến nghị gỡ vướng cho nhà xây nhỏ hơn giấy phép

(PLO)- Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị không xem việc xây nhà nhỏ hơn giấy phép là vi phạm xây dựng, nên giải quyết hồ sơ để tránh thêm thủ tục rườm rà.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số trước Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh về những vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCN) với trường hợp hàng ngàn ngôi nhà xây nhỏ hơn giấy phép xây dựng.

Mới đây, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở TN&MT khẩn trương kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP.

Xây xong từ năm 2019 nhưng căn nhà của ông Nguyễn Văn Thịnh (đường Ni Sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình, TP.HCM) chưa thể làm thủ tục bổ sung tài sản trên giấy chứng nhận do xây nhỏ hơn giấy phép. Ảnh: VIỆT HOA

Xây xong từ năm 2019 nhưng căn nhà của ông Nguyễn Văn Thịnh (đường Ni Sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình, TP.HCM) chưa thể làm thủ tục bổ sung tài sản trên giấy chứng nhận do xây nhỏ hơn giấy phép. Ảnh: VIỆT HOA

Từng có hướng dẫn nhưng không rõ

Trước đó, vào tháng 3-2020, để tháo gỡ vướng mắc này, Sở Xây dựng đã có Công văn 2277 hướng dẫn các địa phương thực hiện. Theo đó, sở đề nghị cấp GCN quyền sở hữu nhà ở đối với các công trình sửa chữa, cải tạo, xây mới nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực quy hoạch 1/500 nếu thỏa ba điều kiện.

Cụ thể là không làm thay đổi chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp; không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực công trình và không thuộc trường hợp điều chỉnh GPXD theo quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, thời điểm đó, các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) vẫn không thực hiện được vì không biết cơ quan nào sẽ xác nhận ba điều kiện nêu trên để làm cơ sở cấp GCN.

Tháng 10-2020, Sở Xây dựng TP tiếp tục có văn bản hướng dẫn, cơ quan chịu trách nhiệm xác nhận ba điều kiện trên là thanh tra xây dựng địa bàn đối với nhà ở riêng lẻ ngoài quy hoạch 1/500 và thanh tra xây dựng có ý kiến với nhà trong quy hoạch 1/500.

Thế nhưng với hướng dẫn này, các địa phương vẫn mỗi nơi làm một kiểu. Có nơi, khi chi nhánh VPĐKĐĐ chuyển hồ sơ qua lấy ý kiến thì thanh tra xây dựng địa bàn không xác nhận, không phản hồi hoặc phản hồi chậm như tại quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh.

Trong báo cáo mới nhất (ngày 25-3) của quận Tân Bình, hiện quận tiếp nhận và đang xử lý 84 hồ sơ dạng này. Chi nhánh không chuyển hồ sơ lấy ý kiến của Phòng Quản lý đô thị nữa mà chuyển qua thanh tra xây dựng địa bàn xác nhận. Tuy nhiên, thanh tra xây dựng địa bàn thường chậm phản hồi.

Tại quận 1, Chi nhánh VPĐKĐĐ tiếp nhận hồ sơ, chuyển qua cả thanh tra xây dựng địa bàn lẫn Phòng Quản lý đô thị. Trường hợp xây dựng nhỏ hơn giấy phép thì thanh tra xây dựng địa bàn có ý kiến. Đối với việc điều chỉnh GPXD hay không thì do Phòng Quản lý đô thị tham mưu UBND quận có ý kiến bằng văn bản. Tại quận 3, chi nhánh chỉ tiếp nhận hồ sơ của người dân khi có biên bản kiểm tra của thanh tra xây dựng địa bàn và ý kiến của Phòng Quản lý đô thị.

Về thời gian trả lời của các cơ quan có liên quan không được quy định nên có nơi thì phản hồi nhanh nhưng có nơi bị kéo dài. Chẳng hạn, quận 4 chỉ mất năm ngày làm việc trong khi quận 10 phải mất hơn một tháng mới có được ý kiến từ Phòng Quản lý đô thị. Quận 11, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh cũng chậm phản hồi hoặc không trả lời hồ sơ từ chi nhánh gửi đến…

Xây xong từ năm 2019 nhưng căn nhà của ông Nguyễn Văn Thịnh (đường Ni Sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình, TP.HCM) chưa thể làm thủ tục bổ sung tài sản trên giấy chứng nhận do xây nhỏ hơn giấy phép. Ảnh: VIỆT HOA

Sở Xây dựng khẩn trương kiểm tra, rà soát

Cuối năm 2021, UBND TP đã có văn bản giao Sở Xây dựng khẩn trương kiểm tra, rà soát và phối hợp với Sở TN&MT giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại trong phối hợp thực hiện theo kiến nghị của Sở TN&MT và báo cáo TP.

Trước đó, Sở TN&MT có báo cáo UBND TP cho rằng văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng còn thiếu tính thống nhất, đồng bộ của cơ quan có ý kiến: Chi nhánh tiếp nhận hồ sơ và chuyển cơ quan chức năng lấy ý kiến. Tuy nhiên, một số nơi làm theo hướng dẫn của Sở Xây dựng chuyển hồ sơ cho thanh tra xây dựng địa bàn, một số nơi thì theo chỉ đạo của UBND quận là chuyển hồ sơ cho Phòng Quản lý đô thị.

Thứ hai là hướng dẫn thiếu tính phối hợp trong xử lý: Khi chi nhánh chuyển hồ sơ tới cơ quan chức năng lấy ý kiến, nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết; nơi tiếp nhận nhưng không có ý kiến, không trả lời.

Thứ ba là thiếu quy định về thời gian xử lý: Quy định hiện nay với đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất là 15 ngày, đăng ký thay đổi tài sản là 10 ngày. Trong khi đó, chi nhánh VPĐKĐĐ sau khi chuyển hồ sơ tới cơ quan chức năng thì thời gian kéo dài hoặc không giải quyết, gây bức xúc cho người dân.

Trong tháng 2-2022, Sở Xây dựng TP đã có công văn đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, nghiên cứu theo báo cáo của Sở TN&MT về ba nội dung nêu trên. Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết hiện nay đã nhận được báo cáo của các quận, huyện. “Tổng hợp số liệu từ các địa phương gửi về cho thấy số lượng nhà nhỏ hơn GPXD lên đến hàng ngàn. Sở Xây dựng đang hoàn thiện báo cáo để trình TP xem xét” - ông Quân nói.•

Cách làm hay của một số quận, huyện

Cùng thực hiện hướng dẫn nêu trên vào tháng 10-2020 của Sở Xây dựng TP nhưng một số quận như 6, 7, Gò Vấp, Phú Nhuận không gặp vướng mắc, do giải quyết hồ sơ theo hướng UBND quận sẽ điều chỉnh GPXD cho phù hợp thực tế.

Cụ thể, theo báo cáo của quận Phú Nhuận gửi Sở Xây dựng, trong hai năm 2020-2021 có 249 trường hợp nhà nhỏ hơn GPXD đã được cấp GCN. Bởi quy trình này được phối hợp thống nhất giữa các cơ quan: Chi nhánh VPĐKĐĐ, Phòng Quản lý đô thị, thanh tra xây dựng địa bàn và UBND 13 phường.

Theo đó, chi nhánh VPĐKĐĐ là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, Phòng Quản lý đô thị tham mưu quận có văn bản trả lời chi nhánh trong vòng bảy ngày và thông tin đến thanh tra xây dựng địa bàn. Quan điểm của quận Phú Nhuận là nhà nhỏ hơn GPXD (ngoài khu quy hoạch 1/500) không làm ảnh hưởng kết cấu căn nhà, phù hợp quy hoạch, quy chuẩn thì cấp GCN và không xử lý vi phạm. Nhà trong quy hoạch 1/500 thì sẽ bị xử lý vi phạm xây dựng.

Kiến nghị xử lý theo hướng không vi phạm

Hiện nay, Nghị định 139/2017 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng) được thay thế bằng Nghị định 16/2022. Theo đó, Sở Xây dựng TP kiến nghị không xem hành vi xây nhà nhỏ hơn GPXD là vi phạm xây dựng. Chủ nhà sẽ được cấp GCN bổ sung tài sản với điều kiện phải cam kết đảm bảo an toàn công trình và phòng cháy chữa cháy. Để không làm phát sinh thêm thủ tục, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP cho phép VPĐKĐĐ khi tiếp nhận hồ sơ dạng này, nếu phù hợp quy hoạch thì giải quyết luôn cho người dân. Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

TRẦN HOÀNG QUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm