Kiến nghị lập đoàn kiểm tra liên ngành các trường quốc tế

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của các trường quốc tế, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, một số phụ huynh trường quốc tế gửi đơn cầu cứu, đơn phản ánh lên Sở GD&ĐT, UBND TP và các đơn vị khác. Tuy nhiên, các đơn chủ yếu mang tính chất phản ánh, kiến nghị.

“Phụ huynh không hợp tác với trường”

Ban giám đốc Sở GD&ĐT đã trực tiếp cử các phòng, ban chức năng chuyên môn của mình để xử lý, phối hợp với các ban, ngành chức năng của quận, huyện nơi các trường hoạt động để ổn định an ninh xã hội.

“Sở đã mời đại diện phụ huynh lên tiếp xúc, trao đổi lắng nghe. Sau đó, sở cũng mời các trường lên trao đổi, có ý kiến về mức thu học phí, mức giảm trừ học phí có phù hợp với tình hình thực tế không, có đảm bảo yêu cầu pháp lý không” - ông Nam nói.

Tuy nhiên, theo phó giám đốc Sở GD&ĐT, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn.

Thứ nhất, có một số phụ huynh không hợp tác với trường, có hiện tượng quá khích. Có phụ huynh tuyên bố khởi kiện không cần thắng, chỉ làm sao để trường mất uy tín. Có trường quốc tế đã tính toán lại, giảm mức thu tối đa theo yêu cầu của đại diện phụ huynh nhưng các phụ huynh khác không chịu, họ kêu gọi tập trung đông người trước cổng trường. Chính điều đó đã gây mất trật tự xã hội.

Thứ hai, chủ đầu tư của các trường là người nước ngoài, cơ quan chính là ở nước ngoài. Đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới, họ cũng có nhiều cơ sở giáo dục ở các nước khác. Có những đơn vị có 60 trường quốc tế ở khắp thế giới nhưng ở Việt Nam họ chỉ có hai trường. Do đó, khi họ giải quyết chính sách chung về học phí, về các quyền lợi, họ phải giải quyết đồng bộ, không thể giải quyết cho từng cơ sở. Chính điều đó đã gây nên sự chậm trễ, không hiểu nhau giữa phụ huynh học sinh và nhà trường.

Ông Nam cho hay các trường ngoài công lập hoạt động theo Nghị định 86 của Chính phủ. Theo đó cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu. Mức thu phí và khoản thu dịch vụ khi dạy trực tuyến phát sinh phải có sự đồng thuận giữa hai bên nên bản chất đó là hợp đồng dân sự giữa phụ huynh và nhà trường.

Trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc điều kiện hợp đồng thay đổi phát sinh những vấn đề khác, hai bên sẽ giải quyết trên tinh thần hợp đồng. Trong trường hợp không thỏa thuận được, phụ huynh có quyền không sử dụng dịch vụ hoặc trường từ chối cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, các đơn vị ngoài công lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên mức thu học phí phải đảm bảo được quyền lợi của chủ đầu tư.

Phụ huynh Trường Quốc tế Việt Úc kéo đến trường yêu cầu được đối thoại. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Kiến nghị kiểm tra toàn diện hoạt động của các trường

Ông Nam cho biết thêm, về phía Sở GD&ĐT khi nhận được đơn kiến nghị của Trường Quốc tế Việt Úc, Sao Việt, AIS, sở đều thực hiện các bước phù hợp, đều đã giải quyết giữa phụ huynh và nhà trường.

“Tuy nhiên, vẫn chưa có sự đồng thuận vì có trường phụ huynh không hợp tác dù nhà trường cũng đã tính toán lại. Đầu tiên họ yêu cầu học online, sau khi giải quyết xong, họ lại phản đối việc học quá tải. Vì thế, tôi không rõ họ muốn gì” - ông Nam nói thêm.

Diễn biến dịch COVID-19 vừa qua là không có tiền lệ. Các trường phải chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến thay đổi về việc đóng học phí. Mặc dù sở cùng các cơ quan chức năng đã cố gắng giải quyết theo quy định pháp luật nhưng những tranh chấp mâu thuẫn vẫn xảy ra bởi không đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên.

Sở GD&ĐT kiến nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Thanh tra TP, Cục Thuế, Công an TP để thực hiện kiểm tra toàn diện các hoạt động, củng cố niềm tin của phụ huynh, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.

Hiện nay, TP.HCM có 20 trường quốc tế và một số cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

Sắp tới nếu tiếp tục diễn ra tình trạng mâu thuẫn giữa phụ huynh học sinh và các trường, Sở GD&ĐT kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận, huyện ổn định an ninh trật tự tại các cổng trường có tập trung đông người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm