“Xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án lớn, trọng điểm, các vụ án tham nhũng. Kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm, đảm bảo các phán quyết của tòa án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân” - Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nói.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TT
Nắm rõ luật mới để tránh xử oan
Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, tại kỳ họp thứ 10 (Quốc hội (QH) khóa XIII vừa qua), QH đã thông qua nhiều bộ luật, luật quan trọng như Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính... (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7). Đây là những bộ luật, luật liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và tinh thần cải cách tư pháp. Do vậy, TAND TP Đà Nẵng phải triển khai ngay việc tập huấn những nội dung mới của luật. Đảm bảo đến ngày có hiệu lực thi hành thì cán bộ, thẩm phán, hội thẩm TAND... phải nắm chắc được các quy định mới và áp dụng đúng pháp luật nhằm đảm bảo tránh oan, sai trong quá trình giải quyết các vụ án. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất việc sau khi xét xử bị cáo, đương sự có đơn kiến nghị lên tòa án cấp có thẩm quyền.
Trong đó, ông Bình nhấn mạnh đến việc thực hiện Nghị quyết 109/2015/QH XIII của QH về: “thi hành BLHS năm 2015”, đặc biệt là đối với những nội dung có hiệu lực kể từ ngày công bố BLHS năm 2015 và Công văn 326/TANDTC-PC ngày 31-12-2015 của TAND Tối cao về thi hành nghị quyết của QH liên quan tới hình phạt tử hình hay đối với một số hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm và chính sách hình sự đối với người từ đủ 14-16 tuổi. “Trong quá trình triển khai thực hiện các vấn đề nêu trên, nhất là qua thực tiễn áp dụng pháp luật khi xét xử, cần chủ động báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc về TAND Tối cao để nghiên cứu”.
TAND TP Đà Nẵng tiên phong trong việc thay đổi chỗ ngồi của luật sư và VKS.
Đột phá để đưa người nghiện đi cai
Nếu như các địa phương khác đang gặp nhiều vướng mắc trong việc đưa người nghiện đi cai do các thủ tục rườm rà thì Đà Nẵng đã có những quyết định “xé rào” để thực hiện mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”.
Theo TAND TP Đà Nẵng, việc đưa người nghiện đi cai hiện tồn tại một số quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn cụ thể cũng như sự phối hợp của các chức năng chưa đồng bộ... Sau sáu tháng triển khai, tháng 8-2014, TAND TP đã tham mưu cho chính quyền TP ban hành chỉ thị về việc “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn TP Đà Nẵng” cũng như quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Cụ thể, TAND TP đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn xây dựng quy trình làm hồ sơ đưa người đi cai nghiện ngay từ cơ sở. Quy trình thẩm định hồ sơ gồm đầy đủ các thành phần như công an, phòng LĐ-TB&XH, phòng tư pháp. Sau khi phòng tư pháp kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, phòng LĐ-TB&XH có công văn đề nghị đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc. Hồ sơ này được chuyển sang cho tòa án để thực hiện các thủ tục mở phiên họp xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Quy trình thủ tục được rút ngắn chỉ còn 5-7 ngày so với 35-40 ngày như trước đây.
“Đối với những hồ sơ sau khi tòa án nhận được chưa đảm bảo về thủ tục hoặc chưa đầy đủ chứng cứ thì yêu cầu cơ quan đề nghị (phòng LĐ-TB&XH) bổ sung. Thẩm phán trực tiếp yêu cầu bằng văn bản hoặc gọi điện thoại trao đổi phối hợp. Hầu hết đều được bổ sung trong thời hạn và đảm bảo các yêu cầu theo quy định. Đối với các đối tượng đang quản lý tại các cơ sở của TP thì tòa án tổ chức mở phiên họp tại cơ sở này với thành phần đi cùng có VKSND, đại diện phòng LĐ-TB&XH, công an” - bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chánh án TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng), cho biết.
“Thời gian qua, TAND TP Đà Nẵng đã tiên phong thực hiện “đổi mới bố trí phòng xét xử” theo hướng sắp xếp bàn ghế cho các chức danh tố tụng và người tham gia theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng, nhất là người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự có vị trí ngồi đối xứng và ngang bằng với VKS tại phiên tòa để tạo thuận lợi trong việc tranh tụng. Đây là một bước tiến vượt bậc của TAND TP Đà Nẵng được người dân, doanh nghiệp, giới luật sư phản hồi tích cực, đảm bảo quyền tham gia tố tụng của người dân và doanh nghiệp” - ông Trần Huy Đức, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng. |