Theo đó, đối tượng được tham gia thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp là người có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử, có thời gian làm công tác pháp luật từ năm năm trở lên; có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án theo quy định của luật tố tụng.
Người đang là thẩm phán sơ cấp có thời gian làm công tác pháp luật từ năm năm trở lên; có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án thì có thể được tham gia thi nâng ngạch lên thẩm phán trung cấp.
Người chưa là thẩm phán ngoài hai điều kiện như thi tuyển thẩm phán trung cấp như trên, đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp thì có thể tham gia dự thi để tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán trung cấp trong trường hợp do nhu cầu công tác cán bộ của TAND.
Người đang là thẩm phán trung cấp, đã là thẩm phán trung cấp từ đủ năm năm trở lên; có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp cao, của Tòa án Quân sự Trung ương theo quy định của luật tố tụng thì có thể được tham gia thi nâng ngạch lên thẩm phán cao cấp.
Người chưa là thẩm phán trung cấp nhưng đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 18 năm trở lên; có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp cao, Tòa án Quân sự Trung ương và đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn vào ngạch thẩm phán cao cấp thì có thể tham gia dự thi để tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán cao cấp trong trường hợp do nhu cầu công tác cán bộ của TAND.
Việc thi tuyển chọn, thi nâng ngạch thẩm phán phải chặt chẽ, minh bạch, công khai, công bằng.
Thi tuyển chọn, thi nâng ngạch thẩm phán được tổ chức ít nhất mỗi năm hai kỳ, trường họp cần thiết, chủ tịch Hội đồng Thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp quyết định bổ sung kỳ thi. Thời gian, địa điểm thi, nội dung các môn thi, hình thức thi do Hội đồng Thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp quyết định.