Thẩm phán trả lời thay kiểm sát viên

Mới đây, TAND huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã đưa vụ Lê Thị Thu Hằng cùng các đồng phạm bị truy tố về tội đánh bạc ra xử sơ thẩm. Một điều đáng chú ý ở phiên tòa này là luật sư (LS) đưa ra một số tình tiết đề nghị kiểm sát viên (KSV) đối đáp, tranh luận nhưng thẩm phán chủ tọa phiên tòa lại can thiệp, trả lời thay KSV.

“Cái này không cần phải tranh luận”

Theo hồ sơ, sáng 23-5-2015, Hằng tổ chức đánh bạc dưới hình thức bài cào ba lá, đếm nút ăn tiền rồi lấy tiền xâu tại nhà (cứ ba ván, người làm cái nếu thắng thì xâu cho Hằng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng). Đến trưa, nhóm của Hằng bị công an bắt quả tang, thu giữ tại chiếu bạc tổng cộng 3,2 triệu đồng. Sau đó, Hằng cùng năm người nữa bị khởi tố, truy tố về tội đánh bạc.

Ngày 12-1, TAND huyện Nhà Bè mở phiên xử sơ thẩm. Tại phiên xử, KSV đề nghị tòa phạt Hằng 4-6 tháng tù, năm đồng phạm của Hằng 6-12 tháng tù treo đến 3-4 tháng tù. Trong phần tranh luận, LS bào chữa cho hai bị cáo là đồng phạm của Hằng đề nghị KSV nói rõ số tiền của từng bị cáo tham gia đánh bạc, mỗi bị cáo bị thu giữ bao nhiêu tiền khi bị bắt. Ngay lập tức, chủ tọa phiên tòa lên tiếng: “Các bị cáo đánh bạc với nhau, đây là số tiền thu trên chiếu bạc… cái này không cần phải tranh luận. Vấn đề đặt ra không phải cứ 2 triệu đồng/người là mới bị truy tố, LS hơi bị nhầm lẫn về cái này…”.

LS vẫn kiên trì: “Tôi muốn một con số cụ thể”. Lúc này, chủ tọa phiên tòa mới yêu cầu KSV trả lời LS. KSV quay qua hỏi số tiền các bị cáo tham gia đánh bạc và giữ nguyên quan điểm truy tố là 3,2 triệu đồng.

LS đề nghị tòa áp dụng khoản 1 Điều 321 BLHS 2015 và Nghị quyết số 109/2015 của Quốc hội (về việc thi hành BLHS 2015) để đình chỉ vụ án theo hướng có lợi cho các bị cáo vì họ đánh bạc dưới 5 triệu đồng. Chủ tọa phiên tòa trả lời: “Cho tới giờ này, nghị quyết chưa có hiệu lực nên không thể áp dụng được, vẫn phải điều tra, truy tố, xét xử”. Sau đó, chủ tọa yêu cầu các bị cáo đứng lên và giải thích: “Quốc hội có ban hành BLHS mới và nghị quyết hướng dẫn thi hành, trong đó có đặt vấn đề của tội đánh bạc. Nhưng cho tới giờ phút này, những cơ quan áp dụng pháp luật như tòa án chưa được áp dụng luật đó bởi vì Quốc hội mới thông qua, luật chưa có hiệu lực. Do đó mọi hành vi diễn ra vẫn phải truy tố, xét xử bình thường…”. Cuối cùng, HĐXX phạt Hằng và bốn đồng phạm mỗi người sáu tháng tù, riêng bị cáo còn lại bị phạt sáu tháng tù treo.


Bị cáo Thị Tiểu, người duy nhất trong vụ án được tòa cho hưởng án treo. Ảnh: CTV

Can thiệp như vậy là không ổn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thẩm phán TAND TP.HCM nhận xét: “Đúng ra theo tinh thần cải cách tư pháp thì chủ tọa phiên tòa không được ngăn cản việc đối đáp của KSV trước câu hỏi LS đưa ra. Thay vào đó, giả sử KSV không chịu đối đáp, tranh luận thì chủ tọa phiên tòa phải có nghĩa vụ nhắc nhở KSV tranh luận với LS. Ngoài ra, với đề nghị của LS về việc áp dụng luật chưa có hiệu lực thì chủ tọa phiên tòa cũng nên để KSV có ý kiến vì KSV cũng nắm luật, cũng giải thích được, chưa kể họ còn phải chịu trách nhiệm với cáo trạng truy tố. Nếu không đồng ý với lập luận, yêu cầu của LS, HĐXX sẽ có phân tích, nhận định, kết luận trong phần tuyên án”.

Cũng theo vị thẩm phán này, để bảo đảm việc tranh tụng tại phiên tòa diễn ra một cách dân chủ, khách quan, chủ tọa phiên tòa chỉ hướng dẫn, điều khiển để việc tranh tụng diễn ra theo một trật tự nhất định. Chỉ khi nào các bên tranh luận vượt quá giới hạn cho phép, nói lan man, không đúng trọng tâm vụ án… thì lúc đó chủ tọa mới dùng quyền điều khiển phiên tòa để can thiệp.

Đồng tình, LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm: Điều 218 BLTTHS hiện hành quy định rất rõ: Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của KSV và đưa ra đề nghị của mình; KSV phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án. Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị KSV phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được KSV tranh luận.

Như vậy, việc chủ tọa phiên tòa trả lời thay cho KSV trong phần tranh luận là không đúng. “Chúng ta đang trong quá trình cải cách tư pháp với mong muốn HĐXX sẽ là trọng tài, không tham gia quá nhiều vào phần xét hỏi và chỉ điều khiển phần tranh tụng để các bên buộc tội, gỡ tội có thể làm rõ đến cùng tài liệu, chứng cứ có trong vụ án. Vì vậy, chủ tọa phiên tòa cần phải thể hiện đúng vai trò của mình” - LS Chánh nói.

Tranh tụng đã thành nguyên tắc

Một trong những nội dung của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị (về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp) là “bảo đảm tranh tụng dân chủ với LS, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...; việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị cũng khẳng định: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp”. Nghị quyết số 37/NQ-QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội khóa XIII yêu cầu: “TAND Tối cao chỉ đạo các tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa”. Tiếp đó, Hiến pháp 2013 quy định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. BLTTHS 2015 đã cụ thể hóa nguyên tắc trên bằng quy định tại Điều 26.

Trong thực tiễn xét xử những năm gần đây, việc tranh tụng tại phiên tòa đã được hai ngành tòa án, kiểm sát khá chú trọng. Cả hai ngành này đều có chỉ đạo về việc yêu cầu các bên buộc tội, gỡ tội tích cực tham gia tranh luận về từng vấn đề của vụ án để làm rõ sự thật, đặc biệt là phía KSV…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm