Kiện toàn nhân sự lãnh đạo của bộ máy nhà nước

Tuần này, Quốc hội (QH) khóa XIV sẽ khai mạc họp kỳ cuối cùng trước khi cả nước bước vào cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) QH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Là hoạt động chính trị liền sau Đại hội XIII của Đảng, sự kiện này có nhiều ý nghĩa cần được phân tích, mổ xẻ.

Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, từ góc nhìn thể chế.

Kiện toàn nhân sự lãnh đạo của bộ máy nhà nước ảnh 1
TS Nguyễn Sĩ Dũng đang trao đổi với phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: N.NHÂN

Phải tuân thủ các thủ tục pháp lý

. Phóng viên: Vài ngày trước, Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đã có những thảo luận về công tác nhân sự. Nay là QH họp, với nghị trình được quan tâm nhiều là nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước, cảm nhận của ông thế nào?

+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đây là thời điểm lý thú để quan sát cách thức vận hành của hệ thống chính trị.

Đầu tiên là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mới diễn ra hồi tháng 1-2021. Hơn 1.570 ĐB, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trên cả nước, đến từ 67 đảng bộ thì 63 là đảng bộ địa phương. Các lá phiếu có tính địa phương rất cao ấy đã bầu ra Ban Chấp hành (BCH) Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 với 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Rồi BCH Trung ương bầu ra Bộ Chính trị, Ban bí thư 23 người.

Quá trình vận động ấy cho thấy Việt Nam theo mô hình quyền lực tập trung thống nhấtnhưng quyền lực của địa phương vẫn rất lớn. Thẩm quyền về tài chính, về nhân sự cao cấp...  tập trung nhiều ở trung ương. BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư có quyền điều động, luân chuyển bí thư, quyền xem xét, đánh giá, kỷ luật - ấy là thẩm quyền khi đã trúng cử. Nhưng bầu trúng hay không tùy thuộc rất nhiều vào lá phiếu của địa phương, tức là quyền lực chính trị nằm nhiều ở địa phương. Trung ương có quyền giới thiệu nhưng chấp nhận hay không là quyền của địa phương.

Mô hình ấy có tính đan chéo về quyền lực, là cân bằng quyền lực giữa trung ương - địa phương. Không tam quyền phân lập nhưng kiểm soát và cân bằng quyền lực vẫn rất mạnh mẽ.

. BCH Trung ương, Bộ Chính trị hay Ban bí thư chỉ là cơ cấu quyền lực chính trị của Đảng. Còn để cầm quyền thì cần quá trình chuyển hóa thông qua quyền lực nhà nước…

+ Đấy là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

Trong quá trình từ quy hoạch, giới thiệu ở Trung ương khóa XII rồi bầu cử ở Đại hội XIII, các ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư đều được dự kiến sẽ tham gia vị trí lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức quan trọng của hệ thống chính trị. Sau đại hội, một số vị trí lãnh đạo các ban đảng đã được Bộ Chính trị phân công, kiện toàn.

Nhưng với các chức danh nhà nước thì phải tuân thủ các thủ tục pháp lý, nhất là các chức danh do QH bầu, phê chuẩn.

Kiện toàn sớm để bộ máy vận hành tương thích

. Kỳ họp này QH sẽ bầu, phê chuẩn một loạt chức danh từ Chủ tịch nước, Thủ tướng đến Chủ tịch QH và nhiều vị trí lãnh đạo khác nữa. Cách làm này có vẻ giống hồi sau Đại hội XII, thưa ông?

+ Một thời gian dài trước đây, nhiệm kỳ của các chức danh nhà nước gắn chặt với nhiệm kỳ của QH. Đại hội  Đảng kết thúc, bầu nhân sự BCH Trung ương đã lâu nhưng vẫn đợi một năm rưỡi, bầu cử ĐBQH xong, QH khóa mới ra mắt, mới kiện toàn nhân sự các cơ quan nhà nước.

Để khắc phục, năm 2007, QH khóa XII tự rút ngắn một năm nhiệm kỳ năm năm của mình. Nhờ đó, Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử ĐBQH diễn ra gọn trong một năm. Dù vậy, độ chênh vẫn là nửa năm.

Chờ thì mặt được là trọn vẹn nhiệm kỳ nhà nước nhưng mất lớn hơn: Đường lối mới đại hội ban hành rồi, người thực thi cũng được tính toán nhưng chưa thể tham chính.

Bộ Chính trị, Ban bí thư, BCH Trung ương là nơi quyết định những vấn đề lớn của quốc gia. Nhân sự cũ, không tham gia những cơ cấu quyết nghị ấy thì khó mà triển khai vào trong hoạt động của bộ máy nhà nước; cũng như không thể chế hóa được về chính sách và cũng khó triển khai trên thực tế những công việc cụ thể.

Bản thân những người ấy dù vẫn trong bộ máy nhà nước nhưng không tham gia bộ máy quyết nghị chính trị; từ đó động lực tự nhiên ít nhiều bị ảnh hưởng thì công việc khó trôi chảy.

Tình trạng ấy mà kéo dài thì quản trị quốc gia dễ bị trục trặc kỹ thuật.

Cách làm như QH khóa XIII, kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước, ở kỳ họp liền sau Đại hội XII, tháng 4-2016 khắc phục được hạn chế ấy và được QH nhiệm kỳ này kế thừa.

. Như vậy có thể hiểu nhiệm kỳ của các chức danh nhà nước đang dịch chuyển, gắn chặt hơn với nhiệm kỳ đại hội Đảng?

+ Về mặt chính trị pháp lý thì dù thể chế nào, đảng cầm quyền cũng luôn ở vị thế quyết định. Anh, Nhật và các nước theo mô hình chính phủ chịu trách nhiệm trước QH như ta đều vậy. Đảng cầm quyền mà thay lãnh đạo thì thủ tướng mới cũng ra mắt, kèm theo nội các mới.

Nhưng cách làm của họ khác. Nội các cũ từ chức để đảng cầm quyền cải tổ nội các, đưa các nhân sự mới lên. Việt Nam chưa có truyền thống từ chức nên áp dụng chung một thủ tục là miễn nhiệm. Và để chặt chẽ, logic, thủ tục miễn nhiệm như vậy nên có căn cứ từ nguyện vọng cá nhân của người xin thôi nhiệm vụ. 

Tại kỳ họp cuối khai mạc vào ngày 24-3 tới đây, Quốc hội khóa XIV sẽ bầu ra lãnh đạo mới của bộ máy nhà nước. Ảnh: TTXVN

Cần cải tiến thủ tục liên quan

. Công tác nhân sự ở QH được dành khá nhiều thời gian, như tại kỳ họp QH tới đây có thể tới tám ngày. Liệu có cách làm nào thực chất hơn?

+ Đầu tiên phải khẳng định quy trình pháp lý ở QH để kiện toàn nhân sự các chức danh trong bộ máy nhà nước là cần thiết và quan trọng. Quy trình, thủ tục ấy đảm bảo tính chính đáng của đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền nhưng không làm thay nhà nước, mà phải thông qua bộ máy nhà nước, trước hết là các nhân sự đứng đầu.

Nhưng để thực chất hơn, tôi nghĩ nên cải tiến thủ tục. Như các nước, khi nhân sự đã được đảng cầm quyền hoặc liên minh cầm quyền thỏa thuận, chuẩn bị kỹ rồi thì QH chỉ phê chuẩn luôn tất cả. Nhanh gọn trong một buổi là đủ để xác lập nghĩa vụ pháp lý giữa nội các mới và QH.

. Những nhân sự được kiện toàn ở kỳ họp QH tháng 3 này, theo quy định hiện hành, sau bầu cử ĐBQH, tới kỳ họp đầu tiên của QH khóa XV, sẽ được bầu lại toàn bộ. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

+ Đấy là vì ta quy định cứng nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao theo nhiệm kỳ QH.

Khái niệm nhiệm kỳ bắt nguồn tự sự ủy quyền của cử tri. Hàm ý là thông qua bầu cử, cử tri thực thi cơ chế dân chủ đại diện, ủy quyền có thời hạn chứ không phải mãi mãi. Sau mỗi nhiệm kỳ - thời hạn ấy thì cử tri đánh giá, bầu lại. Cho nên nhiệm kỳ với QH, với từng ĐBQH là bắt buộc. Nhưng nhiệm kỳ với các thiết chế khác thì không nên cứng nhắc.

Chẳng hạn, khi QH khóa XIV ở kỳ họp thứ 11 này đã kiện toàn nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước rồi thì sau bầu cử, QH khóa mới chỉ nên tiến hành một thủ tục đơn giản để khẳng định vị trí quyền lực của mình với các chức danh nhà nước chịu sự giám sát của QH. Bản chất của thủ tục ấy là xác lập, khẳng định trách nhiệm pháp lý của các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước trước các ĐBQH mới đắc cử chứ không phải là quyết định lại về mặt nhân sự.

. Xin cám ơn ông.

TS Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH: 

Nên cải tiến thủ tục nhân sự ở Quốc hội cho thực chất hơn

QH ta, trước đây một thời gian dài, các thủ tục nhân sự với chức danh thuộc diện QH bầu, phê chuẩn cũng rất nhanh gọn. Từ Đại hội IX, vị thế của QH được nâng lên. Trong đó quy trình, thủ tục làm nhân sự ở QH cũng dài hơn nhưng tựu trung là qua các bước trình ở phiên họp toàn thể, rồi thảo luận ở đoàn, xong quay lại phiên họp toàn thể để các ĐBQH bỏ phiếu. 

Quy trình ấy áp dụng với tất cả các chức danh, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao và lãnh đạo các ủy ban của QH. Thậm chí, có giai đoạn nhân sự ủy viên các ủy ban cũng phải QH bỏ phiếu…

Quy trình này mất nhiều thời gian mà chưa thực chất. Theo tôi, QH có thẩm quyền quyết định về nhân sự các chức danh nhà nước nhưng thẩm quyền quan trọng hơn là giám sát quyền lực.

Giám sát quyền lực từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như trong hoạt động của các cơ quan tư pháp chủ yếu thông qua các ủy ban của QH. Như vậy, để thực chất thì quy trình nhân sự cũng nên thực hiện ở các ủy ban.

Cả ứng viên đứng đầu các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước, cả ĐBQH tại các ủy ban, qua điều trần sẽ xác lập rõ hơn trách nhiệm của mình trong quá trình công tác kéo dài sau khi trúng cử. Đấy là cơ chế tốt để phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Độ vênh về nhiệm kỳ cơ quan nhà nước với nhiệm kỳ của Trung ương Đảng là vấn đề không lớn, mang tính chất kỹ thuật nhiều hơn là bản chất. Tới đây, khi nghiên cứu, hoàn thiện mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chỉ cần bỏ quy định cứng nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao theo nhiệm kỳ QH là được. Thay vào đó là nhiệm kỳ của từng chức danh, chẳng hạn là năm năm kể từ khi trúng cử. Như thế, các thủ tục, quy trình nhân sự ở kỳ họp thứ nhất của mỗi nhiệm kỳ QH mới sẽ đơn giản, thực chất hơn.


Kỳ họp cuối, Quốc hội dành hơn nửa thời gian cho công tác nhân sự

Ngày 24-3, kỳ họp thứ 11 cũng là cuối cùng của QH khóa XIV sẽ khai mạc. Diễn ra chưa đầy hai tháng sau Đại hội XIII, kỳ họp QH dự kiến kéo dài 13 ngày làm việc thì gần tám ngày trọn vẹn cho công tác nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước.

Đây là quy trình pháp lý quan trọng để thể chế hóa công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sang nhân sự nắm giữ các chức danh nhà nước thuộc diện QH bầu, phê chuẩn.

Diễn tiến công tác nhân sự của Đảng và công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử ở các cơ quan trung ương cho thấy tương đối rõ nhân sự các nhánh quyền lực nhà nước sẽ được kiện toàn trong những ngày tới.

Về ba chức danh lãnh đạo chủ chốt, Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII, ngày 31-1-2021, đã bầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tái cử Bộ Chính trị khóa XIII với dự kiến sẽ giới thiệu để các nhân sự này ứng cử vào vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Hội nghị lần thứ 2, ngày 8 và 9-3, Trung ương đã chính thức quyết nghị giới thiệu ba nhân sự trên để tiến hành các thủ tục pháp lý tại kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIV.

Việc giới thiệu các chức danh còn lại, như Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng - thành viên Chính phủ, phó chủ tịch QH và lãnh đạo Hội đồng Dân tộc cùng các ủy ban của QH, thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước… là thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Tại Hội nghị Trung ương 2, Bộ Chính trị đã báo cáo, xin ý kiến Trung ương trước khi chính thức giới thiệu để tiến hành thủ tục pháp lý tại QH với các nhân sự này.

Ở khối Chính phủ, ngoài các thứ trưởng - ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII nhiều khả năng sẽ được giới thiệu phê chuẩn kế nhiệm các bộ trưởng không tái cử Trung ương, sẽ có các gương mặt mới như các ông: Nguyễn Hồng Diên (hiện là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương), Hồ Đức Phớc (hiện là Tổng Kiểm toán Nhà nước), Phan Văn Giang (Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Nguyễn Kim Sơn (Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội). Các vị trí tương ứng có thể là bộ trưởng các bộ Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, GD&ĐT.

Ở khối Chủ tịch nước, gương mặt mới là bà Võ Thị Ánh Xuân (hiện là Bí thư Tỉnh ủy An Giang), Lê Khánh Hải (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước). Cả hai đều là Ủy viên Trung ương khóa XIII và các vị trí tương ứng có thể là Phó Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Ở khối QH, ngoài các phó chủ nhiệm đã trúng cử BCH Trung ương khóa XIII sẽ được giới thiệu kế nhiệm các chủ nhiệm không tái cử Trung ương, còn xuất hiện các gương mặt mới khác. Chẳng hạn, ông Trần Thanh Mẫn (Ủy viên Bộ Chính trị, hiện là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), Nguyễn Đắc Vinh (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh văn phòng Trung ương). Vị trí tương ứng có thể là Phó Chủ tịch QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng.

Ở khối các cơ quan tư pháp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, viện trưởng VKSND Tối cao tiếp tục được hiệp thương giới thiệu ứng cử làm hai ĐBQH ở hai cơ quan trung ương này. N.NHÂN 

Video đang xem nhiều

Đọc thêm