“Dự thảo luật đã đề ra định hướng kiến trúc Việt Nam, đây là quy định quan trọng. Tuy nhiên, đọc hết dự thảo vẫn không biết định hướng kiến trúc Việt Nam như thế nào...”. Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk), nêu vấn đề như vậy tại buổi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc, diễn ra chiều 21-5.
Đại biểu Ngô Trung Thành phát biểu góp ý tại Quốc hội.
Ông cho rằng kiến trúc là một trong yếu tố góp phần tạo ra sắc thái riêng của một quốc gia, nhìn vào công trình kiến trúc có thể biết ngay đó là đặc trưng quốc gia nào. Vì vậy, đề nghị quy định rõ định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và cơ quan lập, phê duyệt định hướng này...
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An), cho rằng dự thảo quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc. Trong đó, có việc đưa, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Theo ông Mão, quy định này không cần đưa vào luật này, vì việc đưa, nhận hối lộ trái pháp luật đều bị pháp luật nghiêm cấm và đã được Luật phòng chống tham nhũng quy định.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc.
Theo đó, có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định rõ đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề (CCHN) kiến trúc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc quy định về CCHN là cần thiết để quản lý hoạt động hành nghề của kiến trúc sư hành nghề.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định rõ ba đối tượng bắt buộc có CCHN. Thứ nhất, kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân. Thứ hai, cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc và cuối cùng cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc.
“Bên cạnh đó, kiến trúc sư không có CCHN kiến trúc vẫn được tham gia các dịch vụ kiến trúc trong các tổ chức hành nghề kiến trúc. Bên cạnh đó, Kiến trúc sư không có CCHN kiến trúc, đồng thời không tham gia các tổ chức hành nghề kiến trúc được tự do thực hiện các công việc trong lĩnh vực kiến trúc theo quy định của pháp luật…”, ông Phạm Xuân Dũng nói.
Liên quan đến Văn phòng kiến trúc sư, theo ông Phạm Xuân Dũng cho hai ý kiến khác nhau. Cụ thể, ý kiến thứ nhất đề nghị không nhất thiết quy định Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật vì cho rằng đây chỉ là tên gọi của tổ chức hành nghề cung cấp dịch vụ kiến trúc.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng mô hình Văn phòng kiến trúc sư đang tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, khuyến khích sự sáng tạo của kiến trúc sư. Giới kiến trúc sư Việt Nam đề nghị có quy định về Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật nhằm cổ vũ tinh thần và động lực sáng tạo cho kiến trúc sư hành nghề.
“Do đó, để tạo tâm lý bình đẳng trong hợp tác, hội nhập với các nước thì cần quy định về Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật…”, ông Phạm Xuân Dũng nêu.
Đối với ý kiến của đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy giá trị công trình kiến trúc chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết bổ sung quy định này, vì hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về kiến trúc, lịch sử, văn hóa… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.