Theo chương trình dự kiến, ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Quốc hội cũng dành thời gian nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Đáng chú ý, Quốc hội cũng nghe tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về vấn đề này. Quốc hội cũng nghe báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: ĐỨC MINH
Trả lời tại cuộc họp báo diễn ra cuối tuần trước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là kỳ họp giữa năm nên trọng tâm tập trung cho vấn đề lập pháp. Theo đó, Quốc hội dành thời gian 12/20 ngày để thông qua bảy dự án luật và hai nghị quyết, cho ý kiến về chín dự án luật khác. Thời gian còn lại dành cho chất vấn, giám sát chuyên đề và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.
Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, đáng chú ý gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp)…
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, đáng chú ý có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…
Theo chương trình dự kiến, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội nghỉ, dành thời gian cho các cơ quan của Quốc hội làm việc theo chương trình riêng. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay do thời gian diễn ra kỳ họp ngắn, khối lượng công việc nhiều, trong đó có nội dung Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp.
“Thời gian họp ngắn như vậy, để dự án luật được thông qua đòi hỏi các cơ quan Quốc hội phải có thời gian tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật. Vì vậy Quốc hội không làm việc vào thứ Bảy và Chủ nhật mà dành thời gian cho các cơ quan Quốc hội tiến hành việc thẩm tra kỹ, giúp cho việc thông qua dự án luật” - ông Phúc nói.