Sau phần tranh luận, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa, đến ngày 30-11 sẽ tiếp tục.
Câu chuyện khởi nguồn từ 16 năm trước, khi bà Thủy đang có hộ khẩu tại một căn nhà trên đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé thì ngày 5-10-1999, Công an quận 1 lập biên bản và xóa tên bà trong hộ khẩu. Lý do: Bà Thủy xuất cảnh du lịch quá sáu tháng.
Theo bà Thủy, bà được nhập hộ khẩu vào địa chỉ trên năm 1989. Đến năm 1992, bà xuất cảnh đi du lịch lần đầu, có khai báo đầy đủ và trở về nước sau đó. Đến tháng 7-1998, bà xuất cảnh du lịch lần hai, có khai báo tạm trú, tạm vắng. Và theo Thông tư liên tịch số 02/1998 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Bộ Ngoại giao thì người xuất cảnh đi du lịch lần thứ hai không bị xóa hộ khẩu. Bà Thủy cho biết với quy định mở của thông tư liên tịch trên, bà nghe theo lời công ty du lịch đi thăm các con học tập ở nước ngoài và về nước tháng 7-2001. Và 16 năm nay, từ ngày trở về, bà sống như là “một công dân vất vưởng”.
Năm 2002, bà Thủy có làm đơn đề nghị công an cho nhập hộ khẩu lại nhưng chủ hộ không bảo lãnh nên công an không giải quyết cho bà. Đầu năm 2015, bà nộp đơn khởi kiện tại TAND quận 1 yêu cầu hủy biên bản kiểm tra hộ khẩu của công an phường năm 1999 và khắc phục hộ khẩu cho bà tại địa chỉ trên.
Tại phiên xử sơ thẩm, TAND quận bác đơn khởi kiện của bà Thủy. Theo tòa, việc bà Thủy xuất cảnh quá 12 tháng là vi phạm các quy định về quản lý hộ khẩu do Chính phủ và Bộ Công an quy định nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của bà. Việc nhập hộ khẩu lại do chủ hộ không đồng ý nên cũng không thể yêu cầu công an khôi phục hộ khẩu cho bà. Bà Thủy kháng cáo bản án này.
Tại phiên phúc thẩm, phía khởi kiện cho rằng Điều 9 Nghị định 51/CP năm 1997 về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu (công an viện dẫn) không áp dụng cho người được phép xuất cảnh du lịch nước ngoài trên 12 tháng như bà Thủy. Trường hợp này là xuất cảnh du lịch lần hai năm 1998, phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 02/1998 đã trích dẫn trên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới (Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Bên bị kiện đã có cách hiểu luật không thống nhất dẫn đến việc bà bị xóa hộ khẩu. Đồng thời, Nghị định 51 cũng không có quy định về việc công an đến nhà người xuất cảnh từ 12 tháng trở lên để lập biên bản kiểm tra hộ khẩu và đề xuất xóa hộ khẩu người đó.
HĐXX thắc mắc là chỉ một lần kiểm tra bà Thủy không có mặt tại nhà mà tại sao công an đã tiến hành xóa hộ khẩu... Đại diện phía công an thì xác định có sai sót về mặt hình thức nhưng vẫn khẳng định đã làm đúng.