Kiều Maily và khát vọng gìn giữ nét đẹp áo dài Chăm

(PLO)-  Kiều Maily đã có nhiều hoạt động, dự án góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Chăm. Chị khao khát mở một bảo tàng áo dài Chăm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Là người con của mảnh đất Chăm (Ninh Thuận), từ nhỏ Kiều Maily đã có tình yêu mãnh liệt với văn hóa, với áo dài Chăm. Đó là lý do thôi thúc chị bôn ba nhiều nơi để tìm hiểu và nghiên cứu.

Hơn 10 năm đi tìm ký ức áo dài Chăm

Chia sẻ tại Hội quán Các bà mẹ TP.HCM một ngày cuối tháng 2 với chủ đề “Áo dài Chăm - Việt, nét đẹp từ ký ức đến hiện tại”, Kiều Maily cho biết bản thân đã dành hơn 10 năm để đi và tìm chụp lại những trang phục Chăm, nghe những câu chuyện về áo dài Chăm.

Chị Kiều Maily và bà ngoại trong trang phục áo dài Chăm. Ảnh: NVCC

Chị Kiều Maily và bà ngoại trong trang phục áo dài Chăm. Ảnh: NVCC

“Tôi được nghe ông bà kể lại trong quá khứ, áo dài Chăm có nhiều mẫu mã và nhiều câu chuyện. Tuy nhiên, chưa kịp nghe hết thì họ đã không còn. Do đó, tôi luôn khao khát và quyết tâm đi nhiều nơi để tìm hiểu và nghiên cứu” - Kiều Maily chia sẻ.

Kiều Maily sinh năm 1985, là người Chăm làng Pabblap Phước Nhơn (tỉnh Ninh Thuận). Chị là một nghệ sĩ múa tự do, một nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Chị là hội viên Hội Văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Kiều Maily đã có những tập sách xuất bản như Độc đáo ẩm thực Chăm, Palei Phước Nhơn của tôi, Giữa hai khoảng trống…

Kiều Maily bắt đầu hành trình đi tìm lại ký ức áo dài Chăm trong mọi ngõ ngách, làng quê Chăm. Chị đi từ Bắc chí Nam, sang cả làng Chăm Campuchia, Thái Lan, Myanmar...

“Một trong những kỷ niệm khiến tôi cảm động nhất là khi đến làng Chăm ở Campuchia cách đây khoảng năm năm. Một bà mẹ Chăm hơn 80 tuổi đã ôm tôi và khóc nức nở khi nhìn thấy áo dài Chăm. Người mẹ đó đã xúc động khi nhìn thấy người con gái xứ Chăm đi tìm hiểu áo dài Chăm” - chị kể.

Kiều Maily nhớ lại hành trang mỗi chuyến đi của chị chỉ vỏn vẹn túi gạo, chai nước mắm, mì ăn liền, cá khô. Chị đi đến đâu thì xin ngủ nhờ ở đó. Có những ngày chạy xe máy rong ruổi khắp miền Nam, trong túi không có một đồng nhưng tình yêu, khát vọng nghiên cứu của chị vẫn cháy bỏng.

Áo dài được người Chăm sử dụng như trang phục hằng ngày. Ảnh: NVCC

Áo dài được người Chăm sử dụng như trang phục hằng ngày. Ảnh: NVCC

Dự án Chăm đẹp trên mọi nẻo đường của Kiều Maily hơn 10 năm với mong muốn kêu gọi giới trẻ Chăm quay lại sử dụng áo dài truyền thống của dân tộc.

“Người Chăm khi đi đến vùng đất mới họ đều mang theo những ký ức, câu chuyện riêng, nuôi dưỡng và ấp ủ nó. Khi tôi đến tìm hiểu thì những nỗi niềm cất giấu bấy lâu của họ vỡ òa như được giải tỏa. Và nhờ đó mà tôi mới có được những câu chuyện, kiến thức về văn hóa áo dài Chăm” - chị bộc bạch.

Khát khao xây dựng bảo tàng áo dài

Cho dù là thơ, múa hay là nhạc, mọi hành trình của Kiều Maily đều dẫn đến con đường tìm kiếm và gìn giữ văn hóa Chăm.

“Mặc dù Quảng Nam có di sản thế giới Mỹ Sơn nhưng cộng đồng người Chăm lại quá ít, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày văn hóa Chăm vẫn còn khá mờ nhạt. Những ngày đầu khi đến với Hội An tôi khá chật vật trong việc tìm không gian biểu diễn văn hóa Chăm” - Kiều Maily nhớ lại.

Bằng sự nhạy bén của mình, Kiều Maily kết hợp với một số chương trình văn hóa khác lồng ghép với những câu chuyện về người Chăm. Đặc biệt chương trình “Chăm đẹp trên mọi nẻo đường” bước đầu đã tạo được cảm hứng và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc trong các bạn trẻ.

“Chương trình được tổ chức tại Sài Gòn và Hội An với thông điệp truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu trang phục truyền thống của dân tộc, bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống. Chương trình này có rất nhiều các bạn trẻ tham gia thực hiện cùng tôi” - chị vui vẻ chia sẻ.

Qua câu chuyện kịp thời mua lại được chiếc khăn choàng quý của bà ngoại trước khi bà bán cho người khác, Kiều Maily cho biết chị luôn ấp ủ và trăn trở xây dựng một bảo tàng nhỏ ngay trong ngôi làng của mình để có thể bảo tồn những trang phục, đồ vật mà người Chăm không còn dùng trong nhà nữa.

“Ngày nay văn hóa truyền thống có thể mai một nhanh hơn nhưng lãng quên thì không. Chúng ta hãy cứ hết mình với hiện tại, tiếp tục nghiên cứu, truyền cảm hứng, lan tỏa như vậy cũng là cách góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống Chăm” - Kiều Maily bộc bạch.

Điểm khác biệt giữa áo dài Việt và Chăm

Điểm đặc biệt của áo dài Chăm là mặc chui đầu, áo dài không xẻ tà như áo dài Việt. Áo dài Chăm với nhiều màu sắc và mẫu mã, so với trước đây thì hiện tại áo dài Chăm cũng không có gì thay đổi. Về cổ áo, hình lá trầu là loại cổ áo xưa nhất.

Áo dài Aw dwa baung được may từ bảy mảnh vải ghép lại với nhau. Còn áo dài Aw bak kwang được may từ nhiều mảnh vải lại với nhau. Màu sắc kết hợp tùy theo sở thích của mỗi người. Phần thân, hai tay chọn màu sắc khác nhau. Áo dài Aw dha baung là loại áo cách tân, đang phổ biến hiện nay, được các bạn trẻ chuộng mặc.

Loại vải chọn may áo dài là vải trơn. Những màu thông thường được chọn nhiều gồm đen, trắng, đỏ và xanh. Trong đó, người Chăm thường dùng vải đen may váy. Trước đây, áo dài Chăm thường được đính thổ cẩm lên trên viền áo nhưng không nhiều. Vì hoa văn của người Chăm được dệt phần lớn dùng trong nghi lễ tôn giáo.

Áo dài được sử dụng như một loại trang phục thường ngày, trong tất cả hoạt động của đời sống. Áo dài mặc trong lễ hội lại có quy định riêng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm