Như để khẳng định nhận định và lo ngại của các chuyên gia quốc phòng Mỹ, sáng 29-7, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố cả nước Mỹ giờ đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Khuya 28-7, Triều Tiên bất ngờ phóng một tên lửa mà theo nhiều quan chức quốc phòng và chuyên gia Mỹ thì đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Theo dữ liệu từ quân đội Hàn Quốc, tên lửa này được phóng ở góc rất rộng, bay trên không 47 phút, bay vút lên không tới khoảng 3.700 km, đạt tầm xa 1.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, gần bờ biển Hokkaido, một hòn đảo phía bắc của Nhật.
Vụ thử này thực hiện từ một bệ phóng di động ở một bãi thử không thường xuyên sử dụng ở gần biên giới với Trung Quốc. Theo ông Kim, điều này chứng tỏ Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa bất cứ đâu và vào bất cứ thời gian nào.
“Lãnh đạo Kim Jong-un rất hài lòng với thành công hoàn hảo của vụ thử và hoan nghênh những người phát triển nó” - KCNA cho biết tên lửa ICBM này cũng là Hwasong-14.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố cả nước Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo KCNA, vụ thử này nhằm xác nhận tầm bắn tối đa và một số yếu tố kỹ thuật khác của tên lửa Hwasong-14. Triều Tiên từng nói Hwasong-14 có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.
Vài giờ trước đó, nhiều nhà phân tích quốc phòng độc lập Mỹ đã lo ngại từ các dữ liệu vụ phóng khuya 28-7 có thể thấy khoảng một nửa - thậm chí nhiều hơn nữa - lục địa Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên vừa phóng. Theo họ, nếu góc phóng hẹp hơn, tên lửa bay thấp hơn, về lý thuyết nó có khả năng đe dọa đến bang California, New York, Chicago một số TP bờ biển phía đông Mỹ, thậm chí xa hơn.
Theo chuyên gia David Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Liên minh Các nhà khoa học liên quan, tên lửa này nếu được phóng ở góc phóng tiêu chuẩn có thể đạt tầm xa 10.400 km.
Theo thông tin từ AP, sau động thái thử tên lửa ICBM thứ hai của Triều Tiên, quân đội Mỹ đang chuẩn bị một thử hệ thống đánh chặn ở bang Alaska, có thể sẽ diễn ra trong ngày 29-7 (giờ Mỹ).