Cứ vào mỗi mùa hè, hàng trăm con cá voi mõm khoằm và cá voi hoa tiêu lại bị giết ở quần đảo Faroe, một quần đảo thuộc Đan Mạch, nằm cách bờ biển Scotland hàng trăm km.
Tập tục săn cá voi này vừa diễn ra ở làng Sandavágur trên hòn đảo Mãgar vào tháng trước.
Hàng trăm người dân sống trên quần đảo Faroe tập trung để săn và mổ cá voi, biến cả vùng nước thành biển máu. Ảnh: Triangle news
Tập tục này được hình thành vào cuối thế kỷ 16. Theo đó, người dân sẽ dồn lũ cá voi lên vùng nước cạn và sử dụng dụng cụ đặc biệt, gọi là “cây giáo tủy sống” để đâm xuyên qua cổ cá voi và bẻ gãy tủy sống của nó.
Sau đó, thịt cá voi được ngâm muối, cắt thành tảng, thái lát hoặc ăn sống. Tập tục với tuổi đời hàng thế kỷ này khiến những người sống ngoài hòn đảo sốc và rất kinh sợ.
Thảm họa: Vịnh biển trên một hòn đảo ở Faroe biến thành biển máu sau trận săn cá voi. Ảnh: Triangle news
Trong chuyến tham quan quần đảo Faroe để chúc mừng ngày tốt nghiệp của mình, Alastair Ward, 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Cambridge cùng một người bạn của mình đã tình cờ chứng kiến tục săn cá voi.
Anh kể lại: “Chúng tôi đang đi quanh vịnh thì một gia đình địa phương chạy ngang qua và bảo rằng chúng tôi rất may mắn vì có một con cá voi đang đến. Chúng tôi nghĩ chỉ có một con bị kéo vào thôi nhưng ngày càng có nhiều thuyền xuất hiện trên bờ biển”.
Người dân địa phương đang dùng dây thừng để kéo lê xác của những con cá voi vào bờ để mổ lấy thịt và mỡ. Ảnh: Triangle news.
Anh tiếp tục: “Tôi không thể đếm xuể có bao nhiêu con cá voi ở đó. Họ dùng mái chèo của mình để đẩy lũ cá voi vào vịnh. Khi những con cá voi đã nằm ở gần bờ, cả thị trấn bắt đầu tấn công chúng, ngay cả lũ trẻ cũng kéo thừng và nhảy lên cơ thể của chúng. Chúng tôi chỉ biết đứng đó, câm lặng và cảm thấy một chút thất vọng. Tiếng kêu từ lũ cá voi thật thảm thiết”.
Người dân địa phương móc thừng vào lỗ phun nước của cá voi để kéo chúng vào bờ, sau đó dùng dao mổ xẻ chúng. Anh cho rằng lũ cá đã không được chết một cách nhân đạo. Dù rất nhiều người dân địa phương cho rằng tập tục này tương tự như làm nông nghiệp nhưng anh không hề đồng ý với suy nghĩ đó.
Tập tục này từng bị lên án bởi các nhà tuyên truyền về quyền động vật. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại cho rằng việc săn bắt không chỉ bền vững mà còn đảm bảo tự cung tự cấp cho những hòn đảo có ít điều kiện kinh tế nông nghiệp. Mỗi con cá voi cho ra hàng trăm kg mỡ và thịt. Nếu không có nguồn cung thịt và mỡ từ chúng, người dân sẽ phải nhập khẩu từ ngoài vào với chi phí rất tốn kèm và làm ảnh hưởng đến môi trường.