Các bên thỏa thuận phương thức thanh toán số tiền còn lại như sau: “Lần một: Bên mua đã giao trước cho bên bán số tiền 900 triệu đồng. Lần hai: Bên mua giao tiếp cho bên bán số tiền 1,1 tỉ đồng vào thời điểm sau khi công chứng xong. Lần ba: Bên mua giao cho bên bán số tiền còn lại vào thời điểm sau khi đăng bộ xong”.
Cần lưu ý đến từng câu chữ khi soạn thảo hợp đồng. Ảnh minh họa: INTERNET
Tương tự vụ án trên, các bên trong hợp đồng này cũng gặp rắc rối liên quan việc thanh toán tiền. Bên bán cho rằng sau khi công chứng, bên mua chỉ trả 500 triệu đồng thay vì phải trả 1,1 tỉ đồng như thỏa thuận. Do đó, bên bán yêu cầu hủy hợp đồng vì bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Ngược lại, bên mua khởi kiện yêu cầu bên bán phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Năm 2010, TAND quận Bình Thạnh xét xử sơ thẩm vụ án. Theo cấp sơ thẩm, các bên thỏa thuận phương thức thanh toán rất chung chung nên khó thể cho rằng bên mua đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Vì vậy, cấp sơ thẩm buộc bên bán phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Tại phiên xử phúc thẩm năm 2011, TAND TP.HCM cũng buộc bên bán tiếp tục thực hiện hợp đồng. Cấp phúc thẩm lập luận: Hai bên không quy định cụ thể thời hạn kết thúc của lần thanh toán đợt hai, mà chỉ ghi là sau khi công chứng xong. Nguyên đơn giao 500 triệu đồng, sau đó giao tiếp 600 triệu đồng cũng là sau khi công chứng xong.
KINH NGHIỆM PHÁP LÝ: Soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thế nào là quyền chủ động của các bên, miễn sao đảm bảo các nội dung cần có theo Điều 698 Bộ luật Dân sự năm 2005. Do đó, khi soạn thảo và ký kết hợp đồng, các bên nên xem xét kỹ lưỡng từng điều khoản, câu chữ sao cho thật rõ ràng, một nghĩa nhằm xóa bỏ khả năng điều khoản hợp đồng muốn hiểu theo nghĩa nào cũng được. Chẳng hạn trong vụ án này, bên bán nên thỏa thuận phương thức thanh toán lần hai như sau: “Bên mua giao tiếp cho bên bán số tiền 1,1 tỉ đồng một lần trong vòng một tuần kể từ ngày hợp đồng được công chứng xong”. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về giải thích hợp đồng dân sự nhưng trong điều kiện quan điểm pháp lý còn nhiều độ vênh về mặt nhận thức, người dân cần tự bảo vệ mình trước khi “cầu cứu” đến sự phán xét của các cấp tòa án. |
THANH LÂM
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)