Kinh tế đang thiếu hụt động lực tăng trưởng

(PLO)- Kinh tế Việt Nam đang đối diện với khá nhiều thách thức vì bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu suy giảm.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI đánh giá, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% nhưng là mức thấp nhất kể từ 2021 nếu loại trừ giai đoạn Covid 2020.

Xét theo phía cầu, tăng trưởng 6 tháng chủ yếu đến từ xuất khẩu ròng khi chênh lệch xuất, nhập hàng hóa và dịch vụ đóng góp tới 63,45%, trong khi xét về tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ.

Tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản chỉ ghi nhận tăng 2,68% và 1,15%. Điều này cho thấy nền kinh tế dường như đang thiếu hụt động lực tăng trưởng.

"Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm ở mức 4,5% - 5,0%. Các nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có thể sẽ gặp các trở ngại đến từ việc phải duy trì cân bằng giữa tăng trưởng và sự ổn định vĩ mô và các điều kiện tài chính bên ngoài bị thắt chặt.

Điểm tích cực có thể đến từ sự hồi phục của ngành du lịch khi chính sách visa thuận lợi hơn và sự phục hồi nhanh hơn từ các đối tác thương mại chính" - SSI cho biết.

Ngân hàng Standard Chartered mới đây cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống 5,4% từ mức 6,5% trước đó. Ngân hàng này cũng thận trọng hơn trước việc dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, khi cầu xuất nhập khẩu suy giảm đã dẫn đến nhiều tác động với nền kinh tế. Để kích hoạt tăng trưởng, cần đến chính sách tài chính tiền tệ nhưng phải thực hiện chính sách này một cách linh hoạt, vì còn nhiều rủi ro. Cạnh đó sử dụng hỗ trợ chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất nhưng phải đi vào đúng khu vực để tránh tình trạng vấn đề bong bóng tài sản.

"Cơ quan quản lý nhà nước cần phải tính toán tái cấu trúc đầu tư công để thực sự hiệu quả. Điều này không chỉ dừng lại ở việc phân bổ vốn đầu tư trung ương với đầu tư địa phương để tập trung nguồn vốn đầu tư, mà có lẽ phải nghĩ đến chính sách tài khóa của Chính phủ hỗ trợ cho việc tái cấu trúc nền kinh tế, tổng cầu và cung để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn" - GS.TS Hoàng Văn Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới