'Kinh tế đi xuống thì vấn đề an sinh nổi lên'

(PLO)- Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) quá dài, 20 năm mới được hưởng lương hưu nên không ai kiên nhẫn tham gia.

Phó Giám đốc BHXH TP.HCM Trần Dũng Hà khái quát như vậy tại tọa đàm: "Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính thức" do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, ngày 9-6.

Lọt lưới an sinh, dễ tổn thương

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, phân tích lao động phi chính thức đã hình thành và tồn tại từ lâu trong xã hội, đó là những hộ kinh doanh nhỏ, lao động tự do, làm việc thời vụ, chạy xe ôm, bán hàng rong.

Đây là loại hình lao động không thể tách rời trong đời sống xã hội, tiến trình vận động và phát triển của nền kinh tế. Lực lượng lao động phi chính thức đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, tuy nhiên họ lại không có quan hệ lao động như các loại lao động chính thức.

Do vậy, lực lượng lao động này dễ tổn thương, dễ bị lọt lưới an sinh, chăm sóc như lao động chính thức. Chính vì thế, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người yếu thế trong xã hội.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, cả nước có tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phó Giám đốc BHXH TP.HCM Trần Dũng Hà (bên phải ngoài cùng) đánh giá về tình hình tham gia BHXH tại TP.HCM.Ảnh: P.ĐIỀN

Thông tin về số lượng lao động tham gia BHXH tại TP.HCM, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM Trần Dũng Hà cho biết: Mục tiêu của BHXH là tăng số người tham gia. Hiện toàn TP có 2,5 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, 31.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt khoảng 50% chỉ tiêu ngành giao. Còn năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc là 2,6 triệu, 61.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 8,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

Hai năm gần đây, do tác động chiến tranh, đại dịch, suy thoái kinh tế, hàng loạt công ty cho hàng ngàn lao động nghỉ việc. Điển hình như Công ty TNHH PouYen cho hơn 5.000 lao động nghỉ việc do thiếu đơn hàng. Điều này khiến những người làm công tác trong lĩnh vực BHXH trăn trở, người lao động mất việc sẽ đi về đâu để tham gia vào lưới an sinh.

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, đánh giá ý nghĩa cuộc thi "Cống hiến thầm lặng" để bảo vệ nhóm yếu thế trong xã hội. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Hà đánh giá nhìn vào số liệu dễ thấy số người tham gia BHXH tự nguyện tại TP giảm. Từ đó, ông Hà lý giải khi kinh tế đi xuống thì vấn đề việc làm, an sinh nổi lên. Còn kinh tế đi lên thì áp lực an sinh nhẹ hơn. “Vấn đề ở đây không phải phát triển bao nhiều người tham gia BHXH, mà là người lao động tham gia sẽ được những lợi ích gì và chăm lo về sau như thế nào khi họ tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc”, ông Hà đặt vấn đề.

Lý do người dân chưa mặn mòi với BHXH tự nguyện

Lý giải nguyên nhân khiến lao động phi chính thức chưa mặn mòi tham gia BHXH tự nguyện, ông Hà cho rằng lao động phi chính thức tự tạo công ăn việc làm cho bản thân, thu nhập không ổn định, tay nghề chưa qua đào tạo và tự nâng cao kĩ năng nghề. Như vậy, họ sẽ gặp rủi ro khi mưu sinh như không đảm bảo như các chế độ thai sản, ốm đau, tử tuất…

Ông Hà chỉ ra một số hạn chế của BHXH tự nguyện khiến người dân chưa mặn mòi, đó là thời gian tham gia BHXH quá dài, 20 năm mới được hưởng lương hưu nên không ai kiên nhẫn tham gia; thứ hai do thu nhập bấp bênh không ai luôn để ra khoản dự phòng để đóng BHXH; thứ ba sau đại dịch thu nhập giảm nên họ không tiếp tục tham gia; thứ tư là nhận thức hiện tại sức khoẻ còn tốt nên họ bỏ qua; thứ nữa do yếu tố vùng miền như các tỉnh phía Bắc và Trung tham gia BHXH tự nguyện cao hơn phía Nam.

Chị Lâm Tiểu Oanh lao động tự do chia sẻ, trước đây từng làm công ty được công ty lo toàn bộ BHXH, được hưởng các chế độ khám bệnh, thai sản, nhưng sau khi nghỉ việc không tham gia loại hình bảo hiểm nào. "Trong thâm tâm tôi luôn muốn đóng BHXH tự nguyện để sau này không ảnh hưởng đến con cái, nhưng do thu nhập không đều nên tạm gác lại.

Đồng thời, chị Oanh cũng mong muốn cơ quan quản lý BHXH giải thích về cách thức đóng và quyền lợi sau khi tham gia, đặc biệt trong quá trình tham gia mà thu nhập bị giảm không tiếp tục đóng thì xử lý như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhìn nhận: Bảo vệ nhóm người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, dân tộc ít người, người nghèo… là điểm chung của Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cùng hướng đến.

Trong quá trình thực hiện cuộc thi "Cống hiến thầm lặng", chúng tôi tìm được tiếng nói chung để đưa cuộc thi ngày càng lan tỏa đến đông đảo truyền thông và bạn đọc. Qua mỗi một năm, số lượng các tác giả tham gia cuộc thi luôn tăng lên, số lượng bạn đọc truy cập, quan tâm với mỗi sự kiện do chúng tôi tổ chức lên đến hàng chục ngàn người/mỗi sự kiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới