Hôm nay (6-1), UBND TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo nhiều nghiên cứu dự báo cho thấy dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế TP.HCM có thể khởi sắc vào năm 2024.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: Trong bối cảnh TP.HCM thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, cần đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% để các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cùng phấn đấu.
Nhiều tiền đề giúp kinh tế TP.HCM phục hồi
. Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về bức tranh kinh tế TP.HCM cũng như nỗ lực vực dậy nền kinh tế của lãnh đạo TP trong năm qua?
+ PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình: Năm 2023, bức tranh kinh tế của TP.HCM có cả hai gam màu sáng, tối nhưng về tổng thể, phần sáng vẫn nhiều hơn. Điều này thể hiện nỗ lực của lãnh đạo TP trong vực dậy nền kinh tế từng có giai đoạn ảm đạm.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động hiện nay, kinh tế TP vẫn đứng vững, GRDP quý sau tăng trưởng nhanh hơn quý trước, nhất là quý III và quý IV. Nếu như quý I, GRDP chỉ tăng 0,7% thì quý II tăng 5,87%, quý III tăng 6,71% và đến quý IV, con số này là 9,62%. Điều này thể hiện sự phục hồi ổn định của kinh tế TP, tạo đà thuận lợi cho những năm tiếp theo.
Một điểm sáng khác là trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có hơn 52.000 doanh nghiệp (DN) mới thành lập, tăng hơn 17,4% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tính thực hiện hơn 370.000 tỉ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ.
Song song đó, gam màu tối được thể hiện ở việc tăng trưởng GRDP của TP.HCM tăng 5,81% là thấp hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 7,5%-8%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt hơn 439.000 tỉ đồng, đạt 93,5% dự toán và giảm 8,5% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ, trong năm có hơn 27.000 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 26,2% so với cùng kỳ.
Điều này thể hiện sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các DN nói chung và DN xuất nhập khẩu nói riêng, cũng như sự sụt giảm của tổng cầu đối với kinh tế TP.
TP.HCM cần nghiên cứu và triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 vì đây là cơ hội lớn để TP bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
. Như vậy, dự báo kinh tế TP.HCM có khởi sắc hơn trong năm 2024 không, thưa ông?
+ Kinh tế TP.HCM có khởi sắc hơn không và khởi sắc như thế nào trong năm 2024 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, tôi cho rằng có bốn yếu tố chính tác động đến điều này.
Thứ nhất là sự phục hồi của kinh tế thế giới. Các tín hiệu kinh tế vĩ mô thế giới thời gian qua, đặc biệt là các tháng cuối năm 2023 cho thấy dấu hiệu khả quan về sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Thứ hai là sự phục hồi và gia tăng của tổng cầu nội địa từ khu vực tư nhân. Các chỉ số vĩ mô của Việt Nam và TP.HCM trong quý IV cho thấy tín hiệu phục hồi của sức cầu nội địa; đến quý I-2024, cầu nội địa chắc sẽ tăng mạnh do hoạt động chi tiêu liên quan đến Tết Nguyên đán gia tăng.
Thứ ba là sự gia tăng của chi tiêu công, đặc biệt là tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM. Trong năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng đều, nhanh dần vào cuối năm. Đây là tín hiệu lạc quan cho kỳ vọng năm 2024, tỉ lệ này sẽ cao hơn năm 2023.
Thứ tư là sự phục hồi của khu vực DN. Trong năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP (IIP) tăng 4,3% so với cùng kỳ. Mặc dù mức tăng này thấp hơn so với năm 2022 nhưng xét theo từng tháng thì có xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước.
Cũng trong năm 2023, các số liệu về thương mại, dịch vụ, du lịch của TP cho thấy dấu hiệu phục hồi khá, tạo nền tảng để tin tưởng vào sự phục hồi tốt của khu vực DN TP trong năm nay.
Tựu trung lại, từ những tín hiệu trên cho thấy chúng ta có nhiều điều kiện tiền đề vững chắc để tin tưởng rằng trong năm 2024, kinh tế TP.HCM sẽ khởi sắc hơn.
Nghị quyết 98 là cơ hội bứt phá
. Có nhiều dự báo kinh tế TP.HCM sẽ phục hồi nhưng khó có khả năng bứt phá mạnh mẽ bởi nhiều khó khăn, thách thức. Ông nghĩ sao về việc này?
+ Khó khăn, thách thức lớn nhất trong năm 2024 vẫn là sức cầu của khu vực tư nhân trong và ngoài nước có thể tiếp tục tăng chậm.
Do vậy, ngoài giải pháp tăng chi tiêu công và kích thích tổng cầu mang tính truyền thống như giảm lãi suất, hỗ trợ lãi suất, miễn, giảm thuế, bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ… thì TP.HCM cần tập trung vào các giải pháp khôi phục niềm tin của DN, người tiêu dùng. Bởi khi niềm tin của DN và người tiêu dùng tăng thì DN sẽ tăng đầu tư, người tiêu dùng tăng tiêu dùng, khi đó tổng cầu mới tăng bền vững.
. Trước tình hình đó, TP.HCM cần chọn những bước đi vững chắc như thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong trung và dài hạn?
+ Theo tôi, TP.HCM cần tiếp tục tập trung vào ba đột phá mang tính chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Cụ thể, về thể chế, TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số. Đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần tăng tổng cầu cho kinh tế TP.
Đặc biệt, TP.HCM cần nghiên cứu và triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 vì đây là cơ hội lớn để TP bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Về nhân lực, TP.HCM nên ưu tiên phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong các lĩnh vực then chốt gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm.
Về hạ tầng, trước tiên TP.HCM cần phát huy vai trò đầu tàu trong liên kết vùng nói chung và liên kết giao thông liên vùng nói riêng, nhất là trong vùng Đông Nam Bộ.
Hiện nay, tỉ lệ trích ngân sách của các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ về Trung ương đang khá cao. Vì vậy, theo tôi, Trung ương cần cân nhắc có thể giảm tỉ lệ trích này và giữ lại để đưa vào Quỹ đầu tư hạ tầng vùng Đông Nam Bộ nhằm thực hiện các dự án giao thông liên vùng. Trước mắt là tập trung vào các dự án trọng điểm liên vùng như đường vành đai 3; các cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành.
Nếu làm được điều này sẽ tạo đột phá lớn cho sự phát triển không chỉ của TP.HCM mà còn cả vùng Đông Nam Bộ.
. Xin cảm ơn ông.
Năm 2024, năm bản lề thực hiện các mục tiêu phát triển TP
. Phóng viên: TP.HCM đặt ra ba kịch bản tăng trưởng kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% trong năm 2024. Theo ông, mục tiêu này liệu có quá sức, nhất là sau những khó khăn mà TP đã trải qua trong năm 2023?
+ PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình: Theo tôi, kịch bản tăng trưởng bất lợi (5,62%-6,39%) chỉ xảy ra khi kinh tế thế giới năm 2024 rơi vào suy thoái. Cạnh đó là các yếu tố về tổng cầu nội địa từ khu vực tư nhân không tăng, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP thấp hơn năm 2023 và khu vực DN dân doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2024. Tức là nó chỉ xảy ra khi gặp những yếu tố nêu trên, ngoại trừ các biến động vĩ mô lớn trong và ngoài nước mà chúng ta không lường trước được.
Với kịch bản trung bình với mức tăng trưởng 6,29%-7,5% là kịch bản có thể xảy ra cao nhất. Lý do, theo quán tính của nền kinh tế TP trong năm 2023, đặc biệt là các quý cuối năm đã tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu này trong năm 2024.
Tuy nhiên, dưới góc độ điều hành vĩ mô và đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 98/2023 được Quốc hội thông qua và đã đi vào vận hành thì theo tôi, TP cần đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% để tất cả cùng phấn đấu. Bởi năm 2024 là năm bản lề quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển TP theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025.