Tăng trưởng GRDP TP.HCM có thể đạt 8% năm 2024

(PLO)- Theo nhóm nghiên cứu, nếu tình hình kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cộng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, kinh tế TP.HCM có thể đạt mức tăng trưởng GRDP 7,1-8% trong năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-1, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) và Cục Thống kê TP.HCM tổ chức tọa đàm ra mắt “Báo cáo kinh tế vĩ mô TP.HCM: Kết quả 2023 và dự báo 2024”.

Đây là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do UEH và Cục Thống kê TP phối hợp thực hiện, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về kinh tế TP năm 2023, các kết quả đã đạt được, dự báo, triển vọng cho năm 2024 và đề xuất các chính sách gợi ý cho chính quyền TP.

Số đầu tiên của ấn phẩm sẽ được ra mắt vào đầu năm 2024 và dự kiến sẽ xuất bản định kỳ hàng năm.

Kinh tế TP.HCM sẽ phục hồi, có thể đạt GRDP 8% năm 2024-toa-dam-kinh-te-tphcm
TS Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP.HCM, chủ biên của báo cáo đang phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: UEH

Theo kết quả nghiên cứu của báo cáo, mặc dù không đạt mục tiêu đề ra, nền kinh tế TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đều đạt được mức tăng trưởng khá cao trong năm 2023 so với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Nhóm nghiên cứu nhận định rằng kết thúc năm 2023, nền kinh tế TP.HCM đang hồi phục một cách ổn định sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Cụ thể, sự phục hồi của tổng cầu được phản ánh khá rõ thông qua rất nhiều chỉ tiêu về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi.

Các chính sách của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc thích nghi với sự thay đổi, tận dụng các cơ hội mới của nền kinh tế thế giới đang đi đúng hướng và phát huy tác dụng.

Trong năm 2024, việc các thị trường lớn cho xuất khẩu của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, bao gồm Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đều được dự báo tăng trưởng với tốc độ khá khiêm tốn trong năm 2024.

Do đó, dự báo xuất khẩu của TP.HCM và Việt Nam đến các thị trường này sẽ khó có khả năng bứt phá trong năm 2024. Đây sẽ một thách thức cho TP.HCM và Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hồi phục của tổng cầu.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, cùng với chính sách tiền tệ đang nỗ lực khắc phục nợ xấu và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng dự kiến sẽ khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm, phục hồi tổng cầu ở TP.HCM và Việt Nam.

“Kinh tế TP.HCM được kỳ vọng sẽ nhận được một trợ lực lớn trong năm 2024, đặc biệt là sáu tháng cuối năm” – nhóm nghiên cứu nhận định.

Từ đó, nhóm nghiên cứu gợi ý nhiều chính sách để thúc đẩy tổng cầu cho TP.HCM. Cụ thể, bên cạnh các chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, đầu tư tích lũy tài sản doanh nghiệp, hộ gia đình và xuất khẩu, một chính sách quan trọng để kích cầu hiện nay chưa được khai thác hiệu quả là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ấn Độ. Trong đó Ấn Độ hiện đang là nền kinh tế có tốc tăng trưởng cao và ổn định.

Nhóm nghiên cứu cho rằng tất cả các chính sách ngắn hạn cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn. Trong đó, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo nhóm nghiên cứu, năm 2024 dự báo tổng cầu đối với nền kinh tế TP.HCM sẽ tiếp tục phục hồi nhưng khó có khả năng bứt phá mạnh mẽ.

“Nếu tình hình kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cộng với việc TP.HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,1-8% trong năm 2024 là có thể đạt được” – kết quả nghiên cứu nêu rõ.

GS.TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận báo cáo kinh tế vĩ mô TP.HCM sẽ công cụ hữu ích cho lãnh đạo TP trong quá trình xây dựng và điều hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Đồng thời, cũng là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thêm thông tin định hướng đầu tư, mở rộng thị trường trong chiến lược phát triển kinh doanh tại TP.HCM.

Ông hy vọng báo cáo này sẽ đóng góp chung vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm