Giải mã 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2024

Giải mã 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2024

(PLO)- Tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2024 được dự báo bằng ba kịch bản.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2023 được dự báo sẽ không đạt mục tiêu đề ra nhưng nhìn lại hơn 11 tháng qua, TP đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái. ThS Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), đã chỉ ra những kịch bản khả dĩ nhất và phân tích rõ các yếu tố ảnh hưởng, quyết định đến bức tranh kinh tế màu tối hay màu sáng vào năm 2024.

van.jpg
ThS Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Cơ sở xây dựng ba kịch bản tăng trưởng

. Phóng viên:Năm 2023 dần trôi qua, theo bà, cần xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024 của TP.HCM như thế nào?

+ ThS Nguyễn Trúc Vân: Các kịch bản tăng trưởng kinh tế TP năm 2024 được xây dựng đặt trong mối quan hệ với cả nước, đồng thời có xem xét bối cảnh thế giới. Các cơ sở xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế TP năm 2024 bao gồm: (i) Bối cảnh kinh tế toàn cầu; (ii) Bối cảnh kinh tế cả nước; (iii) Tăng trưởng kinh tế TP năm 2023; (iv) Tình hình triển khai Nghị quyết 98; (v) Hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP giai đoạn 2022-2025; (vi) Hiệu quả thực thi công vụ của TP.

hiện nay, tăng trưởng kinh tế TP năm 2024 có ba kịch bản.

Kịch bản bất lợi nhất là tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 6% (dự báo khoảng 5,62%-6,38%); còn theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng sẽ đạt mức 6,67% (dự báo khoảng 6,29%-7,05%). Trường hợp thuận lợi, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của TP sẽ đạt 7,51% (dự báo khoảng 7,13%-7,95%).

Khi nào diễn ra kịch bản cơ sở?

. Xin bà phân tích rõ hơn về các yếu tố tác động, dẫn dắt và quyết định đến kịch bản cơ sở sẽ diễn ra?

+ Kịch bản cơ sở sẽ diễn ra trong bối cảnh năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Du khách quốc tế dần quay lại TP, kéo theo khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Chiến sự Nga - Ukraine diễn biến theo chiều hướng giảm dần căng thẳng, tạo điều kiện dần ổn định nguồn cung xăng dầu và nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho ngành điện - điện tử (một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP).

Ngân hàng UOB giữ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam ở 6%. Tương tự, Ngân hàng ADB hồi tháng 9-2023 dự báo con số này đạt 6% (dù giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó).

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2024, còn IMF dự báo con số này sẽ đạt mức 5,8%, thuộc top 20 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Đối với sự tăng trưởng các khu vực kinh tế, các gói hỗ trợ kinh tế cũng như các dự án đầu tư công dần phát huy hiệu quả; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) phục hồi dẫn đến thu nhập và việc làm tăng, kéo theo tiêu dùng nội địa tăng.

Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn nhưng tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại. Với lượng khách du lịch quốc tế và nội địa quay lại TP.HCM, kỳ vọng khu vực dịch vụ sẽ phục hồi và phát triển mạnh do tăng trưởng doanh thu. Ngoài ra, các DN thực hiện tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh để phù hợp với bối cảnh kinh tế.

Đối với vốn đầu tư, các dự án đầu tư công triển khai sẽ thúc đẩy gia tăng tỉ lệ giải ngân, cùng với sự tăng trưởng vốn từ khu vực đầu tư trong và ngoài nước do niềm tin nền kinh tế TP dần khôi phục. Bên cạnh đó, TP tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn thông qua các chương trình như chương trình kết nối ngân hàng - DN, chương trình hỗ trợ lãi suất… TP cũng triển khai hiệu quả một số nội dung của Nghị quyết 98. Thu ngân sách từ các hoạt động kinh tế tăng trưởng khá sẽ tạo điều kiện cho chi đầu tư phát triển gia tăng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.

Còn kịch bản xấu?

. Còn khi nào kịch bản bất lợi sẽ xảy ra, thưa bà?

+ Kịch bản bất lợi sẽ xảy ra khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 suy thoái, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại một số nền kinh tế lớn sẽ kéo theo sức tiêu thụ sụt giảm, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của TP. Chiến sự Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn theo chiều hướng xấu, khan hiếm nguồn cung xăng dầu, lạm phát toàn cầu gia tăng dẫn đến giá cả hàng hóa trong nước có chiều hướng tăng.

Đối với tăng trưởng các khu vực kinh tế, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm dẫn đến DN e ngại đầu tư, kéo theo ngành sản xuất vật liệu xây dựng sẽ suy giảm. Cạnh đó, giá cả sinh hoạt tăng, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng do DN thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dẫn đến sức mua hàng hóa tiêu dùng trong nước giảm mạnh. Doanh thu từ thị trường chứng khoán giảm do diễn biến thị trường chứng khoán thế giới bất lợi, tâm lý nhà đầu tư.

Đối với vốn đầu tư, thị trường chứng khoán và tiền tệ với những diễn biến theo chiều hướng tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao do biến động giá xăng dầu; số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu có nguy cơ sụt giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như các đối tác xuất nhập khẩu chính của TP bị suy giảm và các điều kiện về tiêu chuẩn xanh cũng hạn chế năng lực xuất khẩu của DN; nguồn vốn từ khu vực tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ theo chiều hướng giảm. Thu ngân sách không như kỳ vọng dẫn đến tỉ lệ chi đầu tư phát triển sẽ có nguy cơ không đạt như kế hoạch đề ra; tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công không như kỳ vọng.

Tuy nhiên, TP vẫn nỗ lực để khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp các DN duy trì đà phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN thông qua việc hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho DN; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội, do đó kinh tế TP sẽ vẫn tăng trưởng nhưng không cao. Với giả định như trên, tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt xấp xỉ tăng trưởng năm 2023 ở mức trên dưới 6%.

2023-info-kte-xh-tphcm-BAO-IN-2023.jpg

Động lực cho kịch bản thuận lợi nhất

. Có lẽ người dân, DN ở TP đều kỳ vọng, thậm chí là mong chờ, còn lãnh đạo TP sẽ rất quyết tâm để kịch bản tích cực nhất diễn ra. Vậy khi nào điều ấy đến?

+ Kịch bản thuận lợi sẽ đến với TP nếu tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn so với dự báo, lạm phát tại một số quốc gia lớn là đối tác thương mại của TP được kiểm soát tốt; chiến sự Nga - Ukraine giảm bớt căng thẳng, dẫn đến DN có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu; nhu cầu lao động tăng, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho người lao động; nguồn cung xăng dầu ổn định, giá cả được kiểm soát tốt tạo động lực thúc đẩy sức mua trong nước.

Đối với tăng trưởng các hoạt động kinh tế, TP thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn các ngành dịch vụ khoa học và công nghệ, logistics, dịch vụ tài chính, kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng cho TP. Tăng tỉ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, các chương trình chuyển đổi số phát huy hiệu quả. Thu nhập của người lao động được cải thiện sẽ tạo điều kiện gia tăng mức tiêu dùng nội địa.

Các giải pháp kích cầu du lịch sẽ tạo đà cho doanh thu thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh. Triển khai Đề án xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, có giá trị gia tăng cao; triển khai đề án Trung tâm Tài chính quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm.

Đối với vốn đầu tư, TP nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ khởi công các công trình hạ tầng quan trọng, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. TP đẩy nhanh triển khai nhiều nội dung của Nghị quyết 98; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, giúp các nhà đầu tư có thể bước vào giai đoạn thi công xây dựng với các dự án lớn tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cảng trung chuyển Cần Giờ, dự án đường sắt đô thị…

Các DN được hỗ trợ về vốn, đổi mới công nghệ như thực hiện chương trình kích cầu đầu tư các dự án phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ. Song song đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ thu hút được nhiều hơn do tăng trưởng kinh tế của các quốc gia là nhà đầu tư FDI của TP có chiều hướng phục hồi tích cực. Từ đó thúc đẩy tổng vốn đầu tư toàn xã hội gia tăng, tạo đà tăng trưởng đột phá cho TP. Nguồn thu đảm bảo và tăng trưởng tốt, đảm bảo chi đầu tư phát triển tăng và chiếm tỉ trọng khá trong tổng chi ngân sách địa phương để tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

. Xin cảm ơn bà.

Nhận ra lực kéo, lực đẩy với tăng trưởng kinh tế

Nhìn lại chặng đường 11 tháng đầu năm 2023, theo số liệu ước tính của Tổng cục thống kê, tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2023 ước tính đạt 5,8%. Từ góc độ tổng cầu, có thể nhận thấy chỉ có hai yếu tố thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế TP là cầu tiêu dùng nội địa, chi đầu tư phát triển. Từ góc độ tổng cung, hoạt động du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi ghi nhận tăng trưởng khá và tương đối ổn định; sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; sản xuất công nghiệp giữ được đà tăng trưởng ở một số ngành, trong đó có bốn ngành công nghiệp trọng yếu.

Ngoài ra, niềm tin của DN đối với kinh tế TP dần phục hồi; công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm được thực hiện tốt; các hoạt động văn hóa xã hội, thể thao, giáo dục có sức lan tỏa.

Tuy nhiên, lại có khá nhiều yếu tố kéo giảm đà tăng trưởng kinh tế TP. Ở góc độ tổng cầu, cầu tiêu dùng có nguy cơ giảm khi chỉ số giá có xu hướng tăng cao. Song song đó, vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa phục hồi hoàn toàn.

Còn ở góc độ tổng cung, vẫn còn 10/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ; thị trường tín dụng, trái phiếu DN, bất động sản tiếp tục khó khăn. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng bất lợi như nguy cơ cắt giảm lao động do đơn hàng xuất khẩu giảm, DN thu hẹp sản xuất.

ThS NGUYỄN TRÚC VÂN

***********

8 khuyến nghị để kéo kinh tế TP.HCM đi lên

Một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM chính là triển khai thành công Nghị quyết 98.

Các chuyên gia đưa ra nhiều khuyến nghị để tăng trưởng kinh tế TP.HCM có thể đạt được những chỉ số tích cực nhất trong bối cảnh năm 2023 kinh tế đã đạt nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn nhiều thách thức, nguy cơ lớn phía trước.

1. Triển khai Nghị quyết 98 theo kế hoạch dự kiến. Sau phiên họp thứ hai của Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98, nhiều khuyến nghị quan trọng được đưa ra. Nổi bật là cần có quyết sách mang tính đột phá từ cấp lãnh đạo để thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành. Để khắc phục “tâm lý sợ sai”, cần có “cơ chế chịu trách nhiệm” của lãnh đạo cao nhất của TP đối với từng quyết sách cụ thể, tạo sự yên tâm cho bộ máy hành chính thừa hành công vụ. Cạnh đó, sớm triển khai đồng bộ những nội dung phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết 98, tạo nên khung pháp lý về quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực.

Triển khai Điều 8 của Nghị quyết 98 về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tương tự, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quy định tại khoản 10 Điều 5 của Nghị quyết 98 cần sớm được UBND TP giao cho cơ quan đầu mối nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để TP sớm ban hành cơ chế thực thi...

2. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và lập quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Gắn Nghị quyết 98 với quy hoạch chung TP.HCM và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030. Rà soát Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31. Trong đó, xem xét các nội dung liên quan đến quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, từ đó đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu lồng ghép đưa vào báo cáo hai quy hoạch trên.

Hoạt động mua sắm của người dân tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hoạt động mua sắm của người dân tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

3. Tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công và giải ngân đầu tư công là một trong những cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo.

4. Kích cầu tiêu dùng nội địa. Việc này có thể được thực hiện thông qua chương trình khuyến mãi, bình ổn giá… Cần chú ý liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết giữa các ngành để tạo sức mạnh bền vững.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh kênh mua sắm trực tuyến, tăng cường kết nối cung - cầu trên nền tảng số. Cuối cùng, tổ chức các sự kiện văn hóa xã hội (bao gồm cả các sự kiện liên quan đến giải trí như ca nhạc, thời trang, ẩm thực…) định kỳ thường xuyên hơn. Các hoạt động này thu hút không chỉ người dân TP.HCM mà cả khách du lịch.

5. Phục hồi niềm tin doanh nghiệp (DN) thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Giải pháp cần tập trung là tăng cường liên kết giữa khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực trong nước, trong đó đặc biệt chú ý tới các DN tư nhân trong nước quy mô lớn. Đây là nhóm DN có năng lực và nhiều tiềm năng hơn trong tiếp cận DN đầu tư trực tiếp nước ngoài cả trên góc độ chuyển giao công nghệ cũng như tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Để các hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ hiệu quả, có thể thông qua hỗ trợ của Nhà nước cho các DN lớn hình thành các hệ sinh thái, mối liên kết với DN nhỏ.

6. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ; hỗ trợ DN tiếp cận các cơ hội và nắm bắt cách thức tận dụng từ các hiệp định.

7. Chuẩn bị các kịch bản về an sinh xã hội, chuyển đổi số an sinh và trợ cấp xã hội. Quan tâm đến trợ cấp trẻ em, lương hưu… nhằm đảm bảo tiêu chuẩn sống tối thiểu cho mọi người dân; điều này cũng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng. Xây dựng kịch bản đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm cho người lao động trong trường hợp lao động bị cắt giảm nhiều khi đơn hàng xuất khẩu có nguy cơ giảm.

8. Kinh tế xanh - chuyển đổi xanh trở thành một năng lực cạnh tranh mới của kinh tế TP. Tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh, thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. Hỗ trợ DN chuyển đổi năng lượng xanh, sản xuất xanh; hướng đến xuất khẩu xanh, đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, xây dựng khung cơ chế về thị trường và dữ liệu liên quan tín chỉ carbon. Từ đây, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có đủ thông số đánh giá dự án xanh. MINH TRÂM

Đọc thêm