Kinh tế TP.HCM: Tránh 'hiệu ứng chèn lấn'

(PLO)- TP.HCM cần cẩn trọng khi thiết kế chính sách về đầu tư công, song song đó cần chú trọng thúc đẩy hệ sinh thái đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Năm 2023 chứng kiến nỗ lực rất lớn của chính quyền TP.HCM trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi dòng vốn trong nền kinh tế phải chững lại vì nhiều nguyên nhân thì kích hoạt đầu tư công được nhiều chuyên gia khuyến khích để khơi thông nền kinh tế.

Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), lưu ý trong năm 2024, TP.HCM cần cẩn trọng, có phương pháp phù hợp để tránh “hiệu ứng chèn lấn” có thể làm xáo trộn thị trường vốn, đồng thời gia tăng áp lực cho việc duy trì lãi suất thấp hiện nay.

PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân.

Đầu tư công rất cần thiết nhưng…

. Phóng viên: Đầu năm ngoái, trả lời Pháp Luật TP.HCM, bà đưa ra khuyến nghị thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2023, chính quyền TP cần hỗ trợ đưa dòng tiền vào và quay vòng nhanh trong nền kinh tế thông qua đảm bảo tiến độ hàng loạt dự án đầu tư công trọng điểm của TP. Kết thúc năm qua, bà nhận thấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại TP như thế nào?

+ PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân: Tôi vẫn phải khẳng định lại rằng trong bối cảnh đầu tư trong lĩnh vực tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chững lại, nhất là sau đại dịch COVID-19 và những biến động trong nền kinh tế liên tiếp xảy ra trong thời gian qua thì vốn đầu tư công là một động lực quan trọng để nền kinh tế TP có thể vận hành. Khi TP xây dựng đường, trường, trạm… thì không chỉ tạo ra dòng tiền chạy trong hệ sinh thái kinh tế TP, mà còn giúp người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn; diện mạo đô thị, chất lượng cuộc sống cao hơn.

Tuy năm 2023 dự kiến TP.HCM giải ngân được 70% vốn đầu tư công so với mục tiêu đề ra nhưng đó là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế TP trong năm qua. Thế nhưng, nếu chúng ta quá “say” với đầu tư công mà quên mất những động lực quan trọng khác thì chúng ta có thể gặp rủi ro. Rủi ro lớn nhất đó là “hiệu ứng chèn lấn”, đó cũng là một trong những thông điệp quan trọng mà nhóm nghiên cứu của chúng tôi vừa mới trình lên chính quyền TP.

Nghị quyết 98 đặc biệt quan trọng

Nghị quyết 98/2023/QH15 định vị lại vai trò đầu tàu của TP.HCM, định hình vùng phát triển hợp nhất TP.HCM, Bình Dương và Tây Ninh. Theo đó, TP.HCM giữ vai trò trung tâm trong việc khơi dậy sức mạnh đầu tư từ cơ chế, tạo lợi thế cạnh tranh. Công nghệ chiến lược và khởi nghiệp sáng tạo sẽ là hai nhân tố định hình năng lực mới của TP.HCM trong thời gian gần.

. Xin bà giải thích thêm về “hiệu ứng chèn lấn”?

+ Bạn biết đấy, năm 2023 kinh tế rất khó khăn đã tạo áp lực lên hệ thống doanh nghiệp, vì thế thu ngân sách của TP cũng chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, để thúc đẩy các công trình trọng điểm, TP buộc phải tăng cường huy động vốn. Nếu chúng ta “nóng lòng” có thể tiềm ẩn “hiệu ứng chèn lấn”, gây ra những xáo trộn nhất định trên thị trường vốn, tạo thêm áp lực cho việc duy trì lãi suất thấp thời gian tới.

Nói cách khác, áp lực thâm hụt ngân sách cùng với việc tăng nhanh huy động vốn đầu tư công có thể khiến đầu tư công lấn át đầu tư tư nhân, gây áp lực tăng lãi suất trên thị trường vốn và có thể làm sai lệch mục tiêu của chính sách tiền tệ. “Hiệu ứng chèn lấn” còn tác động tiêu cực đến khả năng đạt được mục tiêu vĩ mô, thậm chí dẫn đến những kết quả không mong muốn trong việc vận hành các công cụ chính sách tiền tệ. Trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra cú sốc lãi suất và hạn chế đầu tư từ khu vực tư nhân. Điều này đã được chứng minh không chỉ trong các lý thuyết về kinh tế mà còn trong nhiều nghiên cứu thực tiễn.

Dự án đầu tư công kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Ví dụ từ kinh nghiệm của Trung Quốc, trong giai đoạn 2006-2018 hiệu ứng này không chỉ làm giảm quy mô vốn mà khu vực doanh nghiệp tiếp cận được, mà còn tạo áp lực tăng giá vốn, lãi suất trên thị trường vốn. Tôi nghĩ TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung rất cần nghiên cứu, rút ra bài học này.

Để bão hòa “hiệu ứng chèn lấn”

. Chúng ta không thể giảm đầu tư công vì việc phát triển các công trình, hạ tầng đô thị là động lực quan trọng để thúc đẩy toàn diện nền kinh tế, đời sống xã hội. Vậy cần phải làm gì trong thời gian tới?

+ Trong nghiên cứu của nhóm chúng tôi gửi đến lãnh đạo TP.HCM, có ba nhóm khuyến nghị chính. Thứ nhất, chính quyền TP cần thận trọng trong việc thiết kế các chính sách huy động vốn đầu tư công, đặc biệt mọi chính sách cần tính toán ảnh hưởng của “hiệu ứng chèn lấn”. Cạnh đó, cần chủ động trung hòa “hiệu ứng chèn lấn” bằng các giải pháp hợp tác công tư (PPP), mục đích là để cân đối nguồn lực tài chính và giảm bớt áp lực lên thị trường vốn.

Cuối cùng, TP cần chú ý phân bổ hợp lý và cân đối về huy động vốn trung và dài hạn từ nguồn trong nước và quốc tế để đảm bảo sự phát triển của hai khu vực công tư và giảm sốc cho hệ thống tài chính. Nếu chúng ta tính toán và thiết kế chính sách hợp lý, “hiệu ứng chèn lấn” có thể được bão hòa. Thậm chí, nếu làm tốt còn có thể kích thích “hiệu ứng hấp dẫn”, trong đó hoạt động của chính quyền TP và khu vực công đóng vai trò thúc đẩy, thu hút thêm nguồn lực cùng đầu tư từ khu vực tư.

. Xin cảm ơn bà.

Quý I và II-2024: Chạy đua để phục hồi

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô TP.HCM quý IV-2023 do Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện, giai đoạn sáu tháng đầu năm 2024 sẽ là giai đoạn rất quan trọng để tăng tốc quá trình phục hồi kinh tế của TP sau một năm 2023 đầy khó khăn.

Năm 2024 cũng chứng kiến cuộc sàng lọc tự nhiên trong hệ sinh thái doanh nghiệp trong bối cảnh các gói hỗ trợ kinh tế phục hồi đến hạn.

Nói cách khác, các doanh nghiệp không chủ động và kịp thời tái cơ cấu nợ, tận dụng được cơ hội từ mức lãi suất thấp hiện tại, thiết kế lại hoạt động kinh doanh phù hợp thì sẽ khó chống chọi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới