Đến năm 2050, Phú Yên là trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ

(PLO)- Đến năm 2050, Phú Yên là trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ, trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trung tâm kinh tế biển của vùng

Mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.

Phú Yên sẽ thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Tỉnh có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.

phú yên-7224.jpg
Đến 2030, Tuy Hòa sẽ thành đô thị loại 1 là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Phú Yên. Ảnh: XUÂN HOÁT

Một số mục tiêu cụ thể như, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 8,5 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150-156 triệu đồng; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu tiền sử dụng đất) bình quân 9-10%/năm; tổng lượt khách du lịch đạt 7.000.000 lượt khách...

Đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng. Đây sẽ là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ, có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc. Trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước.

Các ngành kinh tế phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phú Yên tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là cải cách hành chính; huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Theo quy hoạch, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Phú Yên. Đây sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.

ganh-da-dia-qzssjpg-5873.jpg
Gành Đá Đĩa được định hướng thành Công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: TẤN LỘC

Lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát 8 triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt. Cụ thể, cùng với du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh; kết hợp thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, khu đô thị. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh lam thắng cảnh…

Thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế. Hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững. Từ đó góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ba khu vực kinh tế trọng điểm

Thời gian tới, Phú Yên phải chú trọng vào ba khu vực trọng điểm phát triển.

Cụ thể, khu vực trọng điểm phía Bắc, sẽ phát triển du lịch, kinh tế biển, trong đó thị xã Sông Cầu là trung tâm kết nối đến các vùng phía Bắc và phía Tây của tỉnh. Đây còn là trung tâm dịch vụ và du lịch phía Bắc Phú Yên, kết nối với thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Tập trung đầu tư phát triển khu du lịch Vịnh Xuân Đài hướng tới phân khúc du lịch cao cấp, nghỉ dưỡng, chuyên biệt.

mui-dien-3-4019jpg-2980.jpg
Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Phú Yên. Ảnh: TUYẾT ANH

Khu vực trọng điểm phía Nam, sẽ phát triển công nghiệp luyện kim, lọc, hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm gắn với công nghệ số, công nghiệp chế biến chế tạo, cảng biển, du lịch ... Khu vực Đông Hòa là cửa ngõ kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng, khu vực Tây Nguyên, cả nước và quốc tế.

TP Tuy Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Phú Yên. Khu vực Đông Hòa là trung tâm công nghiệp, hậu cần của tỉnh, phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng đô thị dịch vụ, công nghiệp và logistics, liên kết với khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa); về phía Bắc của TP Tuy Hòa ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu vực tập trung các cơ sở giáo dục - đào tạo cấp vùng.

Khu vực trọng điểm phía Tây sẽ phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến và phát triển du lịch. Phát triển thị trấn Củng Sơn và Hai Riêng trở thành đầu mối giao thương với các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Đến năm 2030, tỉnh Phú Yên có 18 đô thị gồm: một đô thị loại I (TP Tuy Hòa), một đô thị loại II (TP Sông Cầu), một đô thị loại III (thị xã Đông Hòa), sáu đô thị loại IV (đô thị Củng Sơn, Phú Thứ, Tuy An, La Hai, Hai Riêng, Phú Hòa) và chín đô thị loại V (đô thị Tân Lập, Sơn Long, Sơn Thành Đông, Hòa Trị, Xuân Phước, Xuân Lãnh, Trà Kê Sơn Hội, Hòa Mỹ Đông, Phong Niên).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm