Kinh tế Việt Nam trước 'cơn bão' tăng lãi suất thế giới

(PLO)-  Cơ quan chức năng cần điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục… giúp giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc Mỹ và ngân hàng trung ương của các nước lớn trên thế giới dồn dập tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế của Việt Nam (VN).

Tuy nhiên, trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) và TS Phạm Công Hiệp (Trường ĐH RMIT VN) đánh giá: Với vị thế của VN hiện tại thì hoàn toàn có thể tin tưởng rằng áp lực gây mất giá tiền đồng trong thời gian tới không thực sự đáng lo ngại.

Tác động nhiều mặt

. Phóng viên: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm. Cùng với đó, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cũng tăng lãi suất để chống lạm phát. Động thái trên sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế VN ra sao, thưa ông?

+ TS Phạm Công Hiệp: Việc Fed và ngân hàng trung ương của các nước lớn tăng mạnh lãi suất là nhằm kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của VN vì nước ta có độ mở kinh tế rất lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP trong năm 2021. Trong đó, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn của VN, chiếm đến gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 97 tỉ USD nên sự thay đổi về chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tác động trực tiếp và nhanh đến xuất nhập khẩu.

Việc tăng lãi suất của Fed còn khiến chi phí vay vốn và trả nợ nước ngoài có xu hướng tăng, gây áp lực lên Chính phủ và doanh nghiệp trong nước.

. Nhưng thưa ông, một số ý kiến cho rằng việc Fed tăng lãi suất có lợi cho xuất khẩu của VN?

+ Việc tăng lãi suất của Fed giúp USD có thể mạnh lên trong dài hạn, tỉ giá có khả năng tăng sẽ làm cho hàng hóa của VN rẻ hơn so với trước, qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu trong tương lai.

Nếu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, cho phép tiền đồng giảm giá tương đối với USD trong bối cảnh USD mạnh lên so với hầu hết đồng tiền khác sẽ giúp VN vẫn duy trì được lợi thế xuất khẩu giá rẻ. Mặt khác, nó cũng không ảnh hưởng quá tiêu cực đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của VN trong tương lai gần.

Giá nhiều loại hàng hóa có xu hướng tăng cao thời gian gần đây đang gây áp lực lên lạm phát. Ảnh: PM

Giá nhiều loại hàng hóa có xu hướng tăng cao thời gian gần đây đang gây áp lực lên lạm phát. Ảnh: PM

Tiền Việt khó mất giá mạnh

. Việc Mỹ tăng lãi suất sẽ khiến USD lên giá so với hầu hết đồng tiền khác, trong đó có đồng VN, tạo sức ép lớn hơn lên tỉ giá USD/VND. Vậy ông đánh giá ra sao về khả năng tiền đồng có mất giá mạnh cũng như các ảnh hưởng đến lãi suất và lạm phát của VN?

+ TS Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, việc tiền đồng sẽ mất giá mạnh là rất khó. Lý do là hiện nay dự trữ ngoại hối của VN đang cao kỷ lục trong lịch sử, khoảng 110 tỉ USD. Với mức dự trữ như trên thì các cú sốc từ bên ngoài sẽ khó làm ảnh hưởng lớn đến nỗi buộc VN phải thả nổi tỉ giá trong ngắn hạn như các nước châu Á trong cuộc khủng hoảng năm 1997.

Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến lãi suất của đồng nội tệ. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh lạm phát hiện tại cũng như áp lực của việc mất giá tiền đồng. Các động thái kiểm soát tín dụng gần đây cho thấy tín hiệu khá rõ ràng về việc hạn chế cung tiền trong thời gian tới.

. Ông có lo ngại các nước tăng mạnh lãi suất khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn về Mỹ để hưởng lãi suất cao hơn?

+ TS Phạm Công Hiệp: Về thu hút dòng vốn đầu tư, lãi suất và chính trị ổn định sẽ là chìa khóa quan trọng. Nếu như tỉ giá ổn định và lãi suất thực của VN vẫn cao hơn Mỹ, có thể giữ chân được dòng vốn đầu tư nước ngoài ở trong nước, trái lại dòng tiền này sẽ đổ về Mỹ để nhận mức lãi suất cao và an toàn hơn. Tuy nhiên, xu hướng thoát vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại VN chưa rõ rệt.

Ngoài ra, việc rút mạnh tiền từ lưu thông sẽ làm ảnh hưởng đến các kênh như chứng khoán và bất động sản. Cùng với đó sẽ làm lãi suất ngân hàng gia tăng trong thời gian tới và dòng tiền sẽ bắt đầu chảy từ các kênh tài sản rủi ro sang các kênh an toàn như gửi tiết kiệm ngân hàng để hưởng lãi suất cao và an toàn hơn.

Quý II-2022: GDP tăng cao nhất một thập niên

Ngày 29-6, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II vừa qua ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất so với các quý II của 10 năm qua (2011-2021). Tính chung sáu tháng đầu năm nay, GDP tăng 6,42%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng… nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 0,69% so với cùng kỳ. Tính chung chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng chỉ tăng 2,44%.

Những nguyên nhân làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong sáu tháng đầu năm chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh 16 lần khiến giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít, xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diesel tăng 13.900 đồng/lít so với hồi đầu năm. Bình quân sáu tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước.

Kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý

. Fed cho biết sẽ tiếp tục đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát, vậy VN cần làm gì để hạn chế những tác động tiêu cực và khai thác lợi thế của nước ta?

+ TS Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng để giảm áp lực tăng lãi suất, trong ngắn hạn vẫn cần phải tập trung điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong việc cân đối về tỉ giá, lãi suất điều hành. Từ đó để tránh tiền đồng bị mất giá quá nhiều nhưng vẫn đảm bảo lợi thế về xuất khẩu.

Đặc biệt là VN không nên neo cứng tiền đồng với USD trong bối cảnh các đồng tiền khác trên thế giới mất giá mạnh. Điều này chỉ làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối và gây ảnh hưởng xuất khẩu cũng như đưa nền kinh tế đến rủi ro phá giá đồng nội tệ khi dự trữ ngoại hối cạn kiệt.

Song song với giải pháp trên, Chính phủ cần điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục… Qua đó giúp giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

. Xin cám ơn hai ông.

Áp lực lên lạm phát không nhỏ

Việc Fed tăng lãi suất cơ bản lên 0,75% sẽ tác động lớn đến mặt bằng lãi suất cũng như tỉ giá trong nước. Đến nay, riêng chỉ số USD đã tăng trên 9% so với cuối năm ngoái.

Do USD tăng giá rất lớn nên hầu hết đồng tiền cơ bản trên thế giới đều mất giá khá mạnh. Ví dụ, nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 5,3%, won của Hàn Quốc mất giá 4,7%, baht của Thái Lan mất giá 3,4%...

Sáu tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sáu tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng gần 52%
so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: HOÀNG GIANG

Với bối cảnh mất giá của các đồng tiền trên thế giới như vậy nhưng đồng VN mất giá rất nhẹ, chỉ khoảng 1,5%. Có được kết quả như trên là do chúng ta đã kiểm soát được thị trường ngoại tệ ổn định, có giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát.

Tuy nhiên, trong năm tháng đầu năm, dù nước ta kiểm soát được mức lạm phát chỉ tăng 2,25% nhưng trong bối cảnh lạm phát quốc tế ngày càng cao sẽ gây áp lực đến chỉ số lạm phát của VN từ nay đến cuối năm.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ
thuộc Ngân hàng Nhà nước

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm