Áp lực nợ công và thâm hụt ngân sách tăng cao

Theo đánh giá của CIEM, những năm gần đây ngân sách Nhà nước (NSNN) có mức thâm hụt ngày càng tăng. Bội chi NSNN đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Cũng do bội chi NSNN tăng cao, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 (từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP), tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định.

CIEM cũng dẫn ra số liệu so sánh với một số nước trong khu vực. Theo đó, Việt Nam có mức thâm hụt NSNN lớn hơn khá nhiều. Cụ thể, năm 2015 thâm hụt NSNN của Việt Nam là 6,9% GDP, trong khi của Thái Lan là 1,2% GDP, Indonesia là 2,3% GDP, Campuchia là 2% GDP.

Theo dự báo, mặc dù bội chi NSNN của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm tới nhưng đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước tương đồng trong ASEAN.

Một điểm đáng lưu ý trong điều hành NSNN của Chính phủ những năm gần đây là chi đầu tư ngày càng giảm, chi thường xuyên và chi khác tăng lên. Là một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, đầu tư công là rất quan trọng để tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho nền kinh tế. Do đó, tỉ lệ chi đầu tư thấp như vậy cũng là một điều đáng lo ngại.

CIEM cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác điều hành NSNN lỏng lẻo. Chính điều này đã làm cho các quyết định chi tiêu hay vay nợ trở nên dễ bị tùy tiện và lạm dụng.

Thực trạng này đặt ra lo ngại rằng, Bộ Tài chính đã không thể quản lý, kiểm soát và thống kê đầy đủ, kịp thời các khoản nợ hiện đang nằm rải rác ở nhiều bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Nợ của của các DNNN là một rủi ro tiềm ẩn và thực tế Chính phủ đã phải gánh vác nhiều khoản nợ của DNNN trong giai đoạn vừa qua. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm