Sáng 21-3, trong phiên khai mạc kì họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2011 – 2015, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, có 10 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong phiên họp QH sáng 21-3.
Cụ thể, trong 5 năm qua, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt hơn với chính sách tài khoá nên cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 11,75% năm 2010 xuống còn 0,6% vào năm 2015. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011. Tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định.
Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hàng năm đều vượt dự toán Quốc hội đề ra. Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần.
“Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, các nhiệm vụ chi được cơ cấu lại, ưu tiên cho bảo đảm an sinh xã hội, phát triển con người và thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung vốn hoàn thành các công trình quan trọng, cấp bách và đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64-65%”- Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, trong 5 năm qua, tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.
Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỉ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011-2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP.
Tỉ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9%.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.
Với những tồn tại, hạn chế đã được nêu ra, Chính phủ xác định nguyên nhân chủ yếu có nguyên nhân khách quan do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, những diễn biến mới rất phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Song trực tiếp và quyết định nhất là nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả,... chưa đủ rõ, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện. Việc hướng dẫn các chính sách chưa kịp thời và đồng bộ. Tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước nhiều mặt còn hạn chế; nhiều luật, pháp lệnh, nghị định… chậm đi vào cuộc sống.