Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích tình hình kinh tế thế giới sắp tới có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn tới kinh tế trong nước. Đơn cử như giá dầu thô giảm mạnh, từ mức 45 USD/thùng xuống chỉ còn 40 USD thì mỗi năm cũng hụt thu 47.000 tỉ đồng. Trong khi đó các giải pháp hiện vẫn đang xây dựng và cũng phải mất một hai năm mới hoàn thành.
“Mấy năm nay việc điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 này tiếp tục đi trên dây. Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết” - ông Dũng ví von.
Trình bày báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) Phùng Quốc Hiển cho hay các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn “trong giới hạn an toàn cho phép”. Song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP và có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công. Do vậy Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này.
Bên cạnh đó, việc bố trí ngân sách vẫn còn tình trạng dàn trải, sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả và sai quy định. Nhiều dự án vay ưu đãi của nước ngoài phải gia hạn, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ rất chậm.
“Những điều này cần phải được làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính” - ông Hiển nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng tỏ ra quan ngại trước hiệu quả, kỷ luật đầu tư công, tình trạng sử dụng vốn thiếu hiệu quả; bệnh xây trụ sở to, hoành tráng trong khi nhiều vấn đề bức thiết như thủy lợi, ngăn mặn, y tế… chưa được đáp ứng.